Mặn “ăn“ đất canh tác, nguy cơ mất vụ rau Tết

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chưa hết nỗi lo về khan hiếm nước tưới cho vụ đông, nông dân các vùng ven biển miền Trung và miền Bắc lại đang phải đối phó với tình trạng mặn “ăn” dần đất canh tác…
Mặn “ăn“ đất canh tác, nguy cơ mất vụ rau Tết
Ruộng đồng nhiễm mặn đang đe dọa làm giảm năng suất lúa vụ đông xuân ở một số địa phương.

Mặn xâm lấn đất canh tác

Ông Phạm Văn Dương - Chủ tịch huyện Lộc Hà cho biết: Các vùng đất dọc tuyến bờ biển dài 29,5km của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang bị mặn xâm thực nghiêm trọng.

Hai xã Thạch Kim, Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước biển dâng cao đã làm nhiễm mặn 25ha đất sản xuất nông nghiệp, khiến nông dân không thể canh tác và không biết đến bao giờ mới có thể cải tạo để canh tác trở lại.

Trong số 15 cống xả nước ở 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) có gần 2/3 số cống phải đóng vì mặn xâm thực. Ông Đỗ Như Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Bình lý giải: “Do các dòng chảy trên sông suy giảm, các hồ chứa cạn nước, thủy triều nằm trong chu kỳ hoạt động nên mặn có cơ hội xâm nhập sâu vào các kênh mương, ảnh hưởng đến vụ xuân sắp gieo cấy”.

Ở Nam Định, đoạn sông Hồng chảy qua, mặn đã vượt quá cống Ngô Đồng lên tận cống Hạ Miêu (thuộc huyện Giao Thủy, Xuân Trường).

Trên sông Ninh Cơ mặn lên tới cống mức 1. Do độ mặn vượt quá mức cho phép trên 30 phần nghìn (bình thường 0,7 phần nghìn trở xuống mới gieo mạ được) nên số giờ lấy nước ngọt chỉ đạt 1,5 - 3 giờ/ngày.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện – Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy, tất cả 23 cống xả nước tưới tiêu đều bị mặn nặng, có những cống như Cồn Nhất, Cồn Nhị, Ngô Đồng (trên sông Hồng), cống Trà Thương, Trung Ninh (sông Ninh Cơ) nhiễm mặn trên 30 phần nghìn.

Chị Trần Lệ Hoa – nông dân xã Đông Lâm (Tiền Hải) buồn rầu: “Việc mặn xâm thực sẽ khiến cho thời gian xả nước ở các cống bị rút ngắn, bình thường 10-12 tiếng/ngày, chắc sẽ giảm còn 2-3 tiếng, dẫn đến thiếu nước, phải kéo dài thời gian đổ ải, như vậy thời vụ sẽ chậm. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa”.

Khẩn trương xây đê chắn sóng

Dù lúa đông xuân chưa gieo cấy, nhưng xâm mặn đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rau màu vụ đông. Ở huyện Giao Thủy (Nam Định) hiện có 1.000 ha rau màu.

Theo anh Dương Huỳnh Điền, nông dân xã Giao Thanh (Giao Thủy), thời điểm này, cây màu đang trong giai đoạn phát triển mạnh, nếu nước tưới nhiễm độ mặn cao quá mức sẽ khiến cho cây bị héo và chết đột ngột. Nếu không đủ nước ngọt để ém mặn, hoa màu chết thì nông dân mất Tết luôn.

Theo ông Phan Văn Dương - Chủ tịch huyện Lộc Hà, trước tình trạng nước biển xâm mặn, huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh sớm xây dựng đê chắn sóng biển. “Nếu không khẩn trương xây đê chắn sóng cho 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng thì chẳng mấy chốc nữa, nơi chúng ta ngồi đây (UBND huyện Lộc Hà) chính là bờ biển”- ông Dương cảnh báo.

Hiện nay ở 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu (Nam Định) đã mở cống lấy gần hết một triều con nước đầu tiên, thế nhưng do độ mặn cao hơn mức cho phép nên chỉ lưu lại ở các kênh mương chứ không thể xả vào nội đồng được.

Ông Trần Đình Nghị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nam Định cho rằng: “Hiện nước biển đang lấn nước sông nên chỉ còn cách đóng hết các cửa cống ngăn mặn xâm nhập sâu và đợi đến ngày xả nước, lúc đó nước sông lớn sẽ đẩy mặn đi được”.

Anh Nguyễn Văn Sinh ở xóm 1, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) than thở: “Từ năm 2007 đến nay, do đất nhiễm mặn, năng suất giảm đi hơn một nửa thậm chí có vụ mất trắng. Để mưu sinh, giờ tôi phải bám biển, tranh thủ thời gian rảnh rỗi cả nhà nhận thêm công việc vá lướ thuê kiếm thêm thu nhập”

(Theo Nông thôn ngày nay)


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật