“Hà Nội phải có quy hoạch đường trên cao“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thế nào cũng gặp khó khăn về cảnh quan, về tâm lý xã hội, về công nghệ... nhưng đó là những bài toán ta phải giải để vượt qua chứ không cứ nghe khó là chùn bước- KTS Trần Trọng Hanh.
“Hà Nội phải có quy hoạch đường trên cao“
KTS Trần Trọng Hanh. Ảnh:VNN

pv trao đổi với nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, xung quanh chủ trương xây đường trên cao của Hà Nội.

Không có gì phạm luật cả!

Thưa ông, mới đây Hà Nội đã chấp thuận đề xuất xây đường trên cao trong đô thị của Sở GTVT  và đã giao các cơ quan nghiên cứu thực hiện với kỳ vọng đột phá để giảm ùn tắc giao thông. Ông đánh giá thế nào chủ trương này?

- Hạ tầng và không gian công cộng của Hà Nội rất yếu. Trong kỳ họp HĐND Hà Nội vừa rồi tôi có phát biểu và trực tiếp chất vấn Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi vấn đề này.

Dù có xây mạng lưới dày đặc hơn, có “đủ đường” trên mặt đất nhưng với tốc độ phát triển phương tiện hiện nay thì cũng vẫn tắc. Do đó việc khai thác công trình ngầm, nổi là việc rất cần, nếu không muốn nói là đã muộn với Hà Nội.

Tôi rất mừng vì chỉ 1 tháng sau, thành phố đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu để tiến tới thực hiện.

Nhưng xây tuyến nào, từ khu vực nào thì phù hợp và không phá vỡ cảnh quan của một đô thị có nhiều giá trị cổ như Hà Nội, thưa ông?

- Nguyên tắc của đường trên cao này là phải đi vào những đường trục xuyên, giao thông đối ngoại, không rẽ vào thành phố hoặc rẽ vào nơi có điểm, có nút.

Với những tuyến giao thông đối ngoại như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, những tuyến trục xuyên hay với đường vành đai thì nên xây.

Bởi chức năng đường vành đai cũng là đường khớp nối, từ đó phân phối lại từng nút một. Nên đường vành đai III là rất thích hợp.

Tất nhiên, tới khi giải quyết từng tuyến một phải tính kỹ hơn đến cảnh quan. Khi đó các nhà văn hóa, giao thông, quy hoạch đô thị phải ngồi lại để tính toán cụ thể.

Nhưng có KTS lại nói, trong quy hoạch giao thông Hà Nội chưa có chữ nào nhắc đến đường trên cao. Nếu xây là phá vỡ quy hoạch đang thực hiện?

- Quy hoạch năm 1998 tôi cùng anh Nguyễn Lân chủ trì. Ở quy hoạch này, Thủ tướng đã duyệt hướng tuyến, quy định những chỉ tiêu về giao thông trong đó kết hợp cả ngầm cả nổi.

Còn đây, đưa đường lên cao hay xuống thấp là giải pháp, nó không có gì trái với quy hoạch nếu xây trên những luồng tuyến đã được duyệt

Tôi nói ví dụ, đường Hoàng Hoa Thám hồi đó cũng đã có chủ trương đưa lên cao hoàn toàn.

Vì vậy nói Thủ tướng đã duyệt không nhắc chữ nào đường trên cao, nay ta làm là làm trái thì không phải. Ở đây không có gì phạm luật cả. Chẳng qua là các anh ấy lo quá kỹ về mặt thủ tục thôi. Hơn nữa, cái này khi làm thật ta cũng phải báo cáo xin phép Thủ tướng chứ!

Ta xây chỗ nào chưa có đường, chưa được duyệt hướng tuyến thì mới trái luật. Còn đi lên cao hay xuống thấp là tùy từng dự án cho nó thích hợp.

Có người phản đối xây đường trên cao vì sẽ ảnh hưởng cảnh quan. Họ dẫn ví dụ như hầm Kim Liên, ban đầu cũng bàn cầu vượt nhưng vì sợ ảnh hưởng cảnh quan công viên mới phải đưa xuống. Nhưng cũng có KTS lại ủng hộ lên cao bởi Hà Nội rất hay ngập. Ông nghĩ sao?

- Nói Hà Nội hay ngập mà đưa lên cao cũng đúng một phần. Nhưng quan trọng nữa, lên cao thuận lợi hơn về mặt chi phí so với đi ngầm. Vì chi phí bảo dưỡng công trình ngầm rất cao. Trong điều kiện kinh tế ta còn thấp, cho nên chỉ thấy nhu cầu cần mà không biết trong túi ta có gì thì sẽ suy sụp, sao làm được?

Được mắt ta ra mắt người

Vậy còn lo ngại nhiều đường trên cao sẽ khiến Hà Nội có lắm “phố gầm cầu”, sẽ làm bộ mặt đô thị nhếch nhác, ông có lo không?

- Cái nhếch nhác thì đừng đổ tội cho lên cao hay xuống thấp mà nó đi với vấn đề quản lý đô thị.
Có thể xảy ra dưới gầm cầu nơi người dân tranh thủ không gian. Nhưng nếu không đường trên cao thì người ta cũng đã tràn ra vỉa hè cơ mà?! Hiện tượng thì luôn luôn có, nhưng xử lý nó là trách nhiệm của những người quản lý đô thị và quản trị đô thị.

Ví như chuyện người ăn xin ở nhiều đô thị cũng nhếch nhác chứ. Nhưng sao Đà Nẵng làm được. Đó chính là vấn đề quản lý đô thị.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội từng nói rằng, xây cầu đi bộ trên cao đã rất khó vì không người dân nào muốn những công trình kiểu này án ngữ trước nhà mình. Vậy giải quyết cái khó này chắc sẽ lớn hơn với đường cơ giới trên cao?

- “Được mắt ta ra mắt người” là rất cần thiết. Thực tế đúng là có chuyện cơ quan giao thông công chính đặt cầu đi bộ gây bức xức trong một số hộ dân. Vậy nên khi giải quyết cứ nói: “vì có nhu cầu thì tôi xây, còn anh phải hy sinh cho xã hội” là không thuyết phục.

Giải quyết vấn đề này duy nhất là phải có sự tham gia của người dân, của cộng đồng. Cái này tôi gọi là quản trị đô thị, nó khác với quản lý đô thị.

Quản lý đô thị là quản lý nhà nước về đô thị; quản trị đô thị là có tham gia các đại diện của cộng đồng dân cư thì sẽ được mắt ta ra mắt người, tất sẽ được sự hài hòa trong quản lý đô thị.

Thế nào cũng gặp khó khăn về cảnh quan, về tâm lý xã hội, về công nghệ... nhưng đó là những bài toán ta phải giải để vượt qua chứ không cứ nghe khó là chùn bước.

Mô hình đường trên cao Thị Nghè - Thủ Thiêm - Ảnh: SGTT

Như ông nói thì ông rất ủng hộ về nguyên tắc Hà Nôi xây đường trên cao. Tới đây khi Hà Nội đi vào triển khai, ông có lưu ý, khuyến nghị gì để Hà Nội làm tốt?

- Thứ nhất là tầm nhìn. Giao thông còn là vấn đề rất bức xúc trong 5, 10 năm tới, nên tầm nhìn phải xa.

Kiến trúc thì có thể quá độ nhưng giao thông và không gian công cộng không thể quá độ được. Vì đây là khung sườn quyết định phát triển bền vững của đô thị.

Còn tiền đầu tư, nếu có thì đầu tư ngon ngay! Nhưng nếu chưa có thì phải quy hoạch mạng lưới các đường trên cao, rồi bảo vệ nó, khi nào có nhiều tiền thì làm ngon sau!

Nghĩa là không chỉ làm một hai tuyến mà cần phải quy hoạch đường trên cao, phải gắn với công trình giao thông công cộng, những gì có liên quan với đường trên cao như cảnh quan, kiến trúc, công trình ngầm, điện, cáp… Đừng chỉ chạy theo đường trên cao rồi đến khi quay lại, “nhét” những thứ khác vào.

Thứ nữa là phải mời chuyên gia nước ngoài. Với những yếu tố văn hóa thì ta giỏi, nhưng về quy hoạch, về công nghệ ta phải mời tư vấn nước ngoài vào. Họ đi trước ta cả hàng thế kỷ mà!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật