Loay hoay tìm dòng xe chiến lược

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước như đang lâm vào cảnh “tắc đường” bởi có quá nhiều chủng loại xe được đưa ra thị trường, tạo nên sự manh mún, nhỏ lẻ thiếu điểm nhấn và tính cạnh tranh. Tuy nhiên, để có một dòng xe chiến lược thì lại không hề đơn giản.
Loay hoay tìm dòng xe chiến lược
Ảnh minh họa
Xe nào được chọn?


Điểm nổi bật không thể chối bỏ tại cuộc hội thảo quốc gia về “Dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần trước là sự nhất trí giữa các cơ quan quản lý nhà nước và DN ô tô rằng, rất cần phải có ngành ô tô chiến lược.


Mục tiêu này không chỉ nhằm đón đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc hạ xuống còn 0% theo cam kết CEPT/AFTA mà còn là hướng đi cho ngành công nghiệp ô tô trong nước tìm được sản phẩm chiến lược chủ đạo của mình nhằm ghi danh trên bản đồ công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới.


Ý tưởng và mục đích đã rõ ràng, nhưng để có sự đồng thuận về một dòng xe chiến lược lại không hề đơn giản. Mỗi nhà đầu tư, mỗi DN khi tham gia và lĩnh vực này đã có mục tiêu rõ ràng cho riêng mình và hướng sản xuất theo mục tiêu ấy. Vì thế, thị trường ô tô Việt Nam phong phú bởi xe tải, xe khách, xe con, xe du lịch, xe bán tải… Bởi thế mà không mấy ngạc nhiên khi bàn đến một dòng xe chiến lược cho một phân khúc xe trên thị trường ô tô, các DN đã chưa tìm được tiếng nói chung.


Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), đề xuất đưa dòng xe nhỏ đến 5 chỗ ngồi với dung tích máy dưới 1.5 lít vào dòng xe chiến lược bởi theo ông đây là loại xe phù hợp di chuyển nội ô, ít tiêu hao nhiên liệu, giá thành thấp, và nhỏ gọn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất là cần có thêm một |”chiến lược” với dòng xe đa dụng 6-9 chỗ ngồi với dung tích máy dưới 2.0 lít và dòng xe sử dụng công nghệ hiện đại, nhiên liệu thay thế như gas, điện hay ethanol.


Đồng quan điểm với Thaco, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, ông Akito Tachibana cũng bày tỏ nên để phân khúc xe 6-9 chỗ là chiến lược bởi dòng xe này đã từng là trọng tâm phát triển nhờ ưu đãi của chính sách thuế vầ nỗ lực của các nhà sản xuất. Nhưng hiện nay, phân khúc xe du lịch chở khách phát triển không có trọng tâm.


Không đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Xuân Huyên, Tổng giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) lại cho rằng, dòng xe chiến lược phải mang lại lợi ích cho đại đa số người tiêu dùng, có lợi ích quốc gia: giá rẻ, ít ô nhiễm, dễ sản xuất, đầu tư ít và thay thế được xe nhập khẩu. Loại xe 6-7 chỗ ngồi thường sử dụng không hết công suất ghế bởi thế dòng xe chiến lược của Việt Nam trong 10 năm tới nên là loại xe dưới 1.0 lít vì chiếm ít diện tích, lượng khí thải nhỏ bắt buộc phải theo tiêu chuẩn Euro 3 và loại xe này dành cho những người ít tiền.


Quan điểm của ông Huyên cũng đã nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Chí Công, phó Tổng giám đốc Công ty Mercedez Benz Việt Nam: dòng xe chiến lược nên có kích thước nhỏ gọn, thân thiện với môi trường và giá rẻ.


Chuyện con gà và quả trứng


Trong khi chưa ngã ngũ về dòng xe chiến lược, các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước cũng không quên đề cập đến chính sách thuế và ngành công nghiệp phụ trợ để phát triển dòng xe này. Đại diện Toyota cũng cho rằng chính sách thuế đối với ngành công nghiệp ô tô không ổn định, làm cho các nhà đầu tư không yên tâm tập trung vào sản xuất linh kiện phụ tùng để thay thế hàng nhập khẩu. Ở Việt Nam, mỗi khi có sự thay đổi về thuế, trong đó điển hình là thuế tiêu thụ đặc biệt, thì sản xuất trong nước cũng thay đổi, tỷ lệ nội địa hóa dừng lại và các sản phẩm không biết phát triển theo hướng nào.


PGS Nguyễn Đức Phú, chuyên gia trong lĩnh vực ô tô bày tỏ quan điểm: Chiến lược phát triển ô tô đã mắc 3 sai lầm cơ bản. Thứ nhất, cho phát triển sản xuất nhưng lại hạn chế tiêu dùng bằng cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào ô tô. Thứ hai, không có chính sách thuế phù hợp, để giá xe quá cao so với giá gốc ở chính quốc, hay thay đổi (16 tháng thay đổi 6 lần) mà mỗi lần thuế tăng lại gây bão giá trên thị trường. Thứ ba, đề ra chỉ tiêu nội địa hóa mơ hồ để làm ra xe bán chứ không phải nội địa hóa bằng công nghệ cao, sản xuất lớn cho ra sản phẩm giá rẻ. Ngay cả việc xác định loại xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch cũng là mơ hồ. Phải định nghĩa được thế nào là xe chiến lược thì mới làm được.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính lại khá cương quyết khi cho rằng, điều cần thiết phải làm trước mắt là tìm ra được các tiêu chí cho dòng xe chiến lược, rồi sau đó mới nói đến thuế. Trong một thời gian dài các DN ô tô trong nước đã được bảo hộ và hưởng lợi từ nhiều loại thuế suất thấp nhưng họ lại không tận dụng được thời cơ đó để phát triển. Bởi thế, chính sách thuế không thể thay thế chính sách phát triển công nghiệp ô tô mà phải dựa trên một chiến lược rõ ràng của công nghiệp ô tô.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang thừa nhận rằng, mặc dù chiến lược ngành công nghiệp ô tô đã có từ năm 2004, nhưng việc thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó quan trọng là chính sách trong nước vẫn chưa ổn định. Theo tôi, đối với dòng xe chiến lược thì chính sách thuế phải áp dụng theo hướng thuận lợi nhất, ưu đãi nhất- ông Quang chia sẻ.


Được biết, mục tiêu chiến lược phát triển ô tô của chúng ta nhằm vào xe thông dụng, xe khách, xe tải và chuyên dụng chứ chưa tính vào xe con, du lịch và xe cao cấp. Có thể trong thời gian tới cùng với sự phát triển của nền kinh tế có thể sẽ xem xét để điều chỉnh chiến lược theo tình hình thị trường. Bộ Công Thương đang giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu và đề xuất để tập hợn ý kiến trình Thủ tướng chính phủ có quyết định chính thức về dự án xe chiến lược trong năm 2009.

CôngThương

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật