Cha tôi, người nông dân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cha mẹ tôi là nông dân. Hồi tôi còn bé, dù cha mẹ có chăm chỉ đến đâu, cả nhà luôn bị cái đói hành hạ. Tôi thường nằm mơ được ăn cơm. Tôi ước cha tôi là liệt sĩ để nhà tôi được cấp gạo, tôi được tặng sách vở, bút màu...

Cha là người cực kỳ ít nói. Tôi thường theo cha những buổi cày đồng. Trời nắng chang chang, lưỡi cày phập những đường sắc lẹm vào bùn. Mồ hôi thánh thót rơi, cha lầm lũi bước đi. Tôi theo đường cày bắt cua, bắt cá. Tôi mong cha cười nói cho đỡ mệt. Tôi ước chú Thu là cha tôi, cười nói suốt ngày.

Học giỏi, được khen thưởng, tôi về khoe với cha. Cha “Ừ” rồi chẳng nói gì thêm. Tôi giận cha. Có lẽ cha không thương tôi. Cha chẳng quan tâm đến chuyện gì ngoài mấy luống cày, bãi ngô. Từ đó, tôi chỉ khoe với mẹ. 

Học hết cấp II, tôi định bỏ học. Con gái quê tôi, 16 tuổi lấy chồng, đẻ con. Tôi đi học một mình cũng buồn. Hỏi cha, cha chỉ nói “Không!” gọn lỏn. Cha xòe bàn tay ra trước mặt tôi: “Con nhìn đi. Có phải con muốn vậy không?”. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn kỹ tay cha. Ngắn cũn, xù xì, trụi hết móng và chi chít sẹo. Năm ấy, tôi vào cấp ba, tiếp tục học lên.

Cha từng là du kích, là xạ thủ bắn máy bay. Hết chiến tranh, về lại với ruộng đồng, cha lặng lẽ không một lời kể về mình. Không huân chương, phần thưởng. Cả chút ưu tiên ít ỏi cho con ghi vào hồ sơ thi đại học cũng không. “Con học được, thi được, cần chi mấy thứ đó!”. Cha nói khi tôi cố nằn nỉ. Tôi ấm ức đi thi.

Ngày tôi nhập học, cha đưa tôi ra bến đò lên thị xã. Đường từ quê tôi đến thành phố vừa phải đi đò, rồi chuyển đi xe, sau cùng lên tàu hỏa. Gần hai ngày trời mới đến trường đại học. Tôi mong cha đi cùng để tôi bớt sợ, hoặc chí ít cha cũng ôm tôi từ biệt. Cha không làm thế. Đặt bàn tay thô ráp lên đầu tôi, cha nói: “Đi đi con!”. Đó là câu tạm biệt duy nhất của cha. Đò xuôi dòng. Nhìn bóng cha bé tẹo trên bờ, tôi bật khóc. Tôi buồn và giận cha.

Tốt nghiệp đại học, tôi kiếm việc làm nơi xa. Ngày về thăm quê, tim tôi se lại khi thấy tóc mẹ cha bạc trắng. Người cha gầy khô. Thấy tôi về, bà con kéo đến chúc mừng rôm rả. Cha ngồi im lặng mỉm cười.

… Một ngày cuối năm, cha mất. Tôi vội về vẫn không kịp gặp cha. Sau đám tang, mẹ đưa tôi gói nhỏ. Trước mắt tôi là nét chữ xiêu vẹo ngày tôi vào lớp 1, tấm giấy khen lớp 3, điểm 10 toán lớp 7, chiếc khăn quàng và huy hiệu Đoàn, những lá thư, tấm thẻ sinh viên cùng nhiều thứ khác. Tất cả được sắp xếp theo thứ tự thời gian trong cái gói được bọc mấy lần giấy báo, nilon. Có cả bài văn tả cha hồi lớp 5: “Cha em người cao, da trắng, kể chuyện và hát rất hay. Cha biết mọi thứ trên đời vì cha đọc nhiều sách báo. Cha em là người khéo tay, thường đẽo cho em nhưng con búp bê bằng gỗ…”.

Không có gì trùng hợp giữa người trong bài và cha. Thế mà cha vẫn giữ, có lẽ cha đọc nó nhiều lần. Mép giấy sờn và đôi chỗ chữ đã nhòe. Mẹ nói, lâu lâu cha lấy mấy thứ này ra ngắm nghía, cười một mình. Trước khi mất, cha có ý chờ tôi, đứa con gái duy nhất ở xa chưa kịp về. Biết không thể chờ được, cha ra hiệu giao lại cho tôi chút kỷ niệm cha đã nâng niu.

Vậy mà ngày ấy giận cha, tôi đã khóc thầm…

Giờ thì tôi đã hiểu. Tôi may mắn hơn nhiều người vì có cha. Không hề gì, khi cha chỉ là nông dân quê mùa, cao một mét rưỡi, phải đánh vần từng chữ để đọc thư. Cũng chẳng sao nếu cha không kể được chuyện cười, kiệm lời yêu thương, không làm đồ chơi đẹp. Hạnh phúc là khi cha đổ mồ hôi trên những luống cày để chèo chống nuôi gia đình. Cha không khen tôi vì tính cha khiêm tốn. Niềm tự hào cha giấu thầm trong mắt và những đường nhăn xếp trên mặt cha. Cha không đưa tôi đi xa có lẽ muốn để tôi tự mình cứng cáp. Cũng có thể tiền chỉ đủ mua một vé tàu cho tôi vào nơi nhập học.

Cả đời cha đi bộ trên những trảng cát nóng bỏng, cho tôi được rộng dài giảng đường đại học. Dù không ôm hôn tôi lúc từ biệt, nhưng cha thầm dõi theo từng bước tôi đi. Cha thương con biết bao và lặng lẽ tự hào về con!

Tôi hiểu ra điều ấy khi cha đã đi rồi.

Thanh Hương
(Vũng Tàu)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật