Thay đổi chính sách, thay đổi cách học?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở Việt Nam, thầy cô chọn môn học rồi chỉnh số trình học sao cho đủ khối lượng đào tạo của bậc đại học. Tình trạng “thầy đọc, trò chép, thầy hỏi, thầy tự trả lời“ diễn ra phổ biến ở các lớp học hiện nay. (NVD)

Người gửi: NVD

Năm nay là sinh viên đại học năm thứ 3 nhưng thực sự là em vẫn chưa thể xác định được 3 năm học vừa qua em đã có được bao nhiêu kiến thức và có thể vận dụng được những gì.

Phải nói, lượng kiến thức mỗi năm một lớn, từ 5 môn, 6 môn rồi 7, 8, 9 môn một kỳ. Có môn chỉ có 1 trình, có môn thì 6 trình nhưng hầu hết sách giáo trình đều dày như nhau. Rồi có những môn trước đây được đi thực tế, thực hành, được học tới hơn 100 tiết nhưng bây giờ thì cắt hết chỉ còn 20-40 tiết, không thực tập, thực hành. Sinh viên học xong hỏi nhau: "Mày có hiểu gì không? Tao chẳng biết môn này học thế nào nữa, và học để làm gì chứ. Cứ như là phi ngựa ngắm hoa vậy".

Rồi tình trạng "thầy đọc, trò chép, thầy hỏi, thầy tự trả lời" diễn ra phổ biến ở các lớp học hiện nay. Trường em là trường có thể nói áp dụng hình thức học tín chỉ sớm nhất và nhiều nhất trong các trường đại học, có thể nói là tạo được những thành quả bước đầu, sinh viên đã có tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu.

Nhưng nếu so với học theo niên chế thì cũng không hơn làm mấy. Bởi lẽ, suy nghĩ của sinh viên luôn bị thầy cô áp đặt. Làm bài theo hướng mở nhưng vẫn có sườn đáp án, gặp thầy cô dễ thì điểm cao, thầy cô khó thì điểm thấp, cho dù có cùng một bài viết. Thế mới biết học tín chỉ của Việt Nam và học tín chỉ của nước ngoài khác xa nhau quá.

Ở nước ngoài, sinh viên được chọn môn học, còn ở Việt Nam thì thầy cô chọn, rồi chỉnh số trình học sao cho đủ khối lượng đào tạo của bậc đại học. Rồi ghép, tách môn, không những chẳng làm gọn nhẹ môn học mà còn làm sinh viên khổ thêm.

Có thể dẫn chứng, nếu trước đây ba môn Triết học Mác-Lê nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị Mác là 3 môn riêng biệt với tổng số trình là 15 thì nay được gộp thành một môn với chỉ 6 trình.

Trong khi đó, có thể nói 3 môn này được coi là nền tảng đào tạo cơ bản của tất cả các trường đại học. Vậy mà chỉ được gói gọn trong khoảng vài chục tiết học thì thử hỏi làm sao sinh viên có thể tiếp thu được? Thế mới nói người Việt Nam mình thật tài giỏi, luôn biết thích nghi với điều kiện. Sinh viên bây giờ học như chơi.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cũng nên xem xét kỹ lưỡng những chính sách, quy định trước khi cho ban hành, tránh tình trạng làm không tốt thì đổi lại cũng không sao, bởi lẽ cứ để tình trạng đó xảy ra thì hậu quả để lại của những cải cách "trên trời" sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ học trò.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật