Xin được chứng minh là nhân dân!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sống gần nửa đời người vẫn chưa được thừa nhận là công dân, đó là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Xinh, ngụ ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Đã 30 tuổi nhưng chị vẫn không làm được giấy khai sinh, xin làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu cũng không được, dù chị đã nhiều lần làm đơn khẩn cầu gửi đến cơ quan công an và chính quyền địa phương.
Xin được chứng minh là nhân dân!
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Xinh - Ảnh: N.B.

Thân phận bèo trôi

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM): Có đủ điều kiện để giải quyết

Theo điều 7 của nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25-6-2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú và theo khoản 2, điều 3 của nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày

25-6-2007 thì trường hợp của chị Nguyễn Thị Xinh có đủ điều kiện để được đăng ký thường trú. Cơ quan công an có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cấp hộ khẩu cho chị, sau khi có hộ khẩu thường trú thì làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân theo quy định.

Cho đến bây giờ chị Nguyễn Thị Xinh cũng chưa biết cha mẹ mình là ai. Lần trong ký ức, chị chỉ nhớ hồi nhỏ được một người mà chị cũng không biết tên, chỉ hay gọi là dì Tám, đem về nuôi dưỡng, bữa đói bữa no. Chị Xinh chỉ nhớ được khoảng thời gian về sống, làm công quả tại Hoa Nghiêm thiền tự (ấp Hòa Thuận, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) như một cơ duyên với ni sư Thích Nữ Như Châu (tên ngoài đời là Trần Thị Mai Dung) - trụ trì Hoa Nghiêm thiền tự.

Và “hộ chiếu đời người” của chị chỉ là một mảnh giấy bảo lãnh của ni sư này. Trong đơn trình bày gửi cơ quan công an xin xác nhận về nhân thân cho chị Nguyễn Thị Xinh, ni sư có ghi rõ vào năm 1990, ni sư có việc đến bệnh viện Tân Phú (nay là bệnh viện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), thấy hoàn cảnh đứa bé quá thương tâm đã tìm cách nhờ người chăm sóc, loan tin tìm kiếm người thân.

Khi bệnh viện cho xuất viện, đứa trẻ không biết đi về đâu nên ni sư Thích Nữ Như Châu đã đưa về chùa tá túc chờ ngày người thân đến nhận. Xinh làm công quả ở chùa, chờ đợi, nhưng hết năm này qua năm khác vẫn không thấy bóng dáng người thân.

Năm Xinh lên 1‌8 tuổ‌i, ni sư muốn cho Xinh chính thức xuất gia tu học nhưng cô không có giấy tờ tùy thân, cũng không có thân nhân bảo lãnh nên không thể nhập tu. Năm 2000 là cái mốc Xinh sống ở chùa được mười năm. Lúc đó, một phật tử tên Trần Thị Ven (ngụ ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) đi tham quan chùa biết hoàn cảnh của Xinh nên xin ni sư đem cô về nhà nuôi. “Kể từ đó, tôi giúp việc nhà cho dì Ven, hằng tháng dì cho tôi 300.000 đồng cho đến ngày tôi lấy chồng, sinh được đứa con gái tên là Lê Thị Mỹ Linh” - chị Xinh nhớ lại.

Nghèo còn gặp họa

Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện chồng bị tai nạn giao thông qua đời là chị Xinh lại mếu máo khóc: “Hai mẹ con tôi sống đơn độc, không biết nương nhờ vào ai. Đồng lương của một nhân viên tạp vụ ít ỏi không đủ sống, cuộc sống thiếu thốn khiến con tôi cứ bệnh hoài”.

Buổi tối định mệnh của gần bốn năm về trước, chồng chị - anh Lê Thành Sắc (sinh 1978) - băng ngang tỉnh lộ 8 thuộc khu vực ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi đi mua thuốc chữa bệnh cho con thì bị chị Huỳnh Thị Thanh Mai (sinh 1979, thường trú tại Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) đi xe máy đụng chết.

Dù đau đớn, vật vã nhưng chị Xinh cũng làm đơn bãi nại cho gia đình chị Mai. Ngày 29-6-2006, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã xử phạt bị cáo Huỳnh Thị Thanh Mai 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa cũng buộc bị cáo Huỳnh Thị Thanh Mai phải bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần và trợ cấp nuôi con cho chị Xinh tổng cộng 67,2 triệu đồng, nhưng phía đương sự không chịu trả.

Sáng 11-3, trả lời Tuổi Trẻ về trường hợp thi hành bản án bồi thường cho chị Xinh, ông Đặng Văn Tuấn, trưởng thi hành án dân sự huyện Củ Chi, cho biết cơ quan thi hành án huyện Củ Chi đã ra quyết định thi hành án và cử chấp hành viên Lê Hoàn Vũ thụ lý vụ án này. Nhưng khi xác minh tại địa phương thì đương sự không có tài sản đứng tên. Sau đó, Huỳnh Thị Thanh Mai có cam kết xin nộp mỗi tháng 300.000 đồng bắt đầu từ tháng 8-2008.

Cho tới thời điểm này, chị Xinh chỉ mới nhận được 2,1 triệu đồng tiền bồi thường.

Mong ước lớn nhất đời: được có giấy chứng minh nhân dân

Phụ giúp việc nhà không đủ nuôi con, chị Xinh tính đi xin việc làm nhưng không có hồ sơ giấy tờ nên không ai nhận. Một chị nông dân ở xã Trung Lập Thượng tên Hà Thị Thảo thấy hoàn cảnh hai mẹ con quá khổ nên đã thương tình gợi ý cho chị Xinh mượn bộ hồ sơ xin vào làm tạp vụ cho Công ty liên doanh BV Pharma. Sau hai tháng cật lực thử việc, chị đã quyết định lên phòng nhân sự thưa thật về nhân thân của mình và được ban giám đốc thương tình cho ký hợp đồng chính thức.

Khi con gái chị đến tuổi đi học mới là thời điểm thật sự khó khăn. Không có trong tay một mảnh giấy tùy thân, chị Xinh cầu cứu khắp nơi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ông Hồ Phong Vinh - công an ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi - cho biết hoàn cảnh của mẹ con chị Xinh quá nghèo khó, ông đã làm hết cách để giúp nhưng cũng chỉ làm được cho chị một sổ tạm trú (diện KT3).

Nhờ cái sổ này mà con chị đã được đi học và hiện đang học lớp 1 Trường tiểu học Tân Thạnh Tây. Cần có CMND bổ sung vào hồ sơ để được nâng lương, chị Xinh xin làm thì được trả lời phải có hộ khẩu. “Tôi xin làm hộ khẩu thì họ bảo phải có CMND và có nhà hoặc đất. Mà mẹ con tôi đang ở nhờ nhà dì Ven, làm gì có nhà và đất để làm thủ tục” - chị Xinh bức xúc. Có lần cầm tập hồ sơ có cả bản gốc sổ tạm trú, giấy khai sinh của con chị và một vài tờ giấy xác nhận của công an xã đi photo để gửi kèm đơn xin làm CMND, gặp trời mưa giấy ướt, chị đã khóc òa như một đứa trẻ vì mỗi lần xin lại mấy cái giấy này đối với chị còn “khó hơn mang bầu và đẻ một đứa con”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ni sư Thích Nữ Như Châu cho biết bà đã ba lần làm giấy xác nhận tạm trú ở chùa từ năm 1990-2000 và hoàn cảnh nhân thân cho chị Nguyễn Thị Xinh, vào các ngày 27-4-2007, 9-10-2008, mới đây là ngày 2-1-2009 và lần nào cũng được ông Đặng Kim An - trưởng Công an xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - xác nhận, nhưng bà không hiểu vì sao chị Xinh vẫn không làm được CMND và hộ khẩu.

Chị Xinh nói  mong ước lớn nhất đời chị là làm được CMND và hộ khẩu thường trú để trước mắt là được nâng lương “đỡ cho cuộc sống khó khăn của mẹ con tôi phần nào”, còn về lâu dài thì cũng là danh chính ngôn thuận vì đã đi gần hết nửa đời người mà vẫn chưa có một mảnh giấy tùy thân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật