Gặp gỡ ở vùng đất khát

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ thị xã Hà Giang vào đến Đồng Văn, con đường mang tên Hạnh phúc tạo cảm giác lo lắng, bất an khi phải ngồi trên xe du lịch vượt qua nhiều đèo dốc chênh vênh, vực sâu hun hút. Từ Đồng Văn vào đến Lũng Cú đường đi dễ chịu hơn, nhưng vẫn chung cảm giác ấy.
Gặp gỡ ở vùng đất khát
Ảnh minh họa

Núi đá và tiết trời khô hanh cuối năm tạo cảm giác suốt ngày khát nước. Đúng là Lũng Cú đang khát nước. Hồ mắt Rồng ở bên trái côt cờ Lũng Cú chỉ còn săm sắp nước. Những chiếc bể chứa nước mà dự án 135 xây cho dân nằm khô khốc, chứa đầy cỏ rác. Thấy tôi đứng nhìn bể nước trước nhà, anh Mùng Dở Ních người lang Lô Lô Chải bảo: “Cái bể nhà nước nó xây cho đấy. Nhưng không có nước đâu.” Anh vồn vã mời tôi vào nhà chơi.

Cạnh sân là một con bò gầy. Chỉ người phụ nữ gầy guộc đang quét nhà, anh bảo: “Nó là Vương Thị Thiện bằng tuổi mình đấy. Cả hai vợ chồng trông già hơn nhiều so với tuổi 42. “Uống rượu nhé!” Mùng Dở Ních lôi trong thùng ngô ra cái vỏ chai bia Tàu, rót rượu ra hai chiếc chén vại cáu bẩn. Rượu nhạt và chua. Hai người khoe có 4 đứa con. Một đứa bị bệnh chết rồi, còn ba đứa đang học trường nội trú của xã. Họ tính toán rằng cho nó ở nội trú vừa được ăn cơm, vừa được đi học. Phải học nhiều chữ không thì khổ lắm.

Anh Hờ Văn Say nhà cạnh uỷ ban xã có lẽ là người H Mông sõi tiếng Kinh nhất. Mới 36 tuổi mà kêu mình “già lắm rồi”, cũng tại có tới 6 người con. Hờ Văn Say làm dịch vụ xát lúa, nghiền ngô, nuôi lợn và giết thịt bán luôn. Lúc nhàn rỗi lại lên núi khuân đá về đục cối. Anh là mẫu người chăm chỉ, biết lo xa. Mấy người con của anh đều được đi học đến nơi đến chốn. Hai cô gái lớn đang học Cao đẳng y tế tận bên Thái Nguyên. Còn lại bốn cô cậu đều học trường nội trú của tỉnh. Cũng như anh Ních, Hờ Văn Say muốn con cái được sướng hơn mình.

Bên lối vào làng Cẳn Tằng, những người H Mông đang cắt lúa. Họ khiến ra ruộng một thùng gỗ to gọi là chiếc lỏong và đạp lúa vào đấy, xúc qua bao tải rồi vác về nhà. Cô bé Giàng Thị Giang mới 11 tuổi mà cũng phải đi cõng lúa về giúp cha mẹ. “Mình học lớp 3 rồi đấy, nhưng bố mẹ không cho đi học nữa”. Tôi ngỏ ý vác hộ bao thóc về, Giang chỉ tay về phía núi đá. “Nhà mình xa lắm, chỉ có đường nhỏ, không có đường to đâu”. Bao thóc nặng chừng hai chục cân. Cô bé được giúp đỡ thì vui lắm, tung tăng đi trước, cạp váy xanh đỏ xập xoè như cánh bướm. Đến lưng chừng núi, tôi mệt thở ra tai. Con bé ra hiệu tôi chuyển bao thóc sang lưng nó. “ Chú còn vác được mà…”. Nó lắc đầu. “Nhà mình có nhiều chó. Cám ơn nhé!” Thì ra con bé sợ tôi bị chó cắn. Nó dặn với. “Bố mình là Giàng Seo Chừ, mẹ mình là Vàng Thị Mỉ. Lúc nào đến chơi nhé”. Con bé thật ngoan. Tiếc rằng nó không còn được đi học. Lúc đi qua trường tiểu học Lũng Cú, Giang chậm bước lại nhìn vào lúc học sinh đang giờ ra chơi.
 

Buổi chiều, tình cờ có cô bé mặc bộ áo váy bạc phếch vào cắt cỏ trong sân nhà khách. Cô bé này nói tiếng Kinh rất tệ. Hỏi tên, mãi mới nghe ra là Giàng Thị Lủ, 12 tuổi. Cô lắc đầu khi nghe tôi hỏi học lớp mấy. “ Lủ cắt cỏ làm gì?” “Cho ngợ (ngựa) mà!”. “Nhà em có mấy con ngựa?” “ Ha ngợ!” (2 ngựa). Chìa tờ báo Phụ nữ ra, nó lắc đầu “ Xư pâu!” (không biết). “Nhà Lử có mấy anh em?”. Nó giơ ra bốn ngón tay. Nặng nhọc nhắc bó cỏ to lên vai, Lử cười gật đầu chào. “ Chiều sang chơi nhé?” “Ờ!”.

Cơm chiều xong, tôi và nhà thơ Hoàng Choóng người Lạng Sơn đang ngồi xem phim ở phòng khách thì thấy Lử lưng cõng, tay dắt ba đứa em trứng gà, trứng vịt đến. Nó đã thay bộ quấn áo khác sạch sẽ hơn. Đặt đứa em bé nhất xuống chiếc salon da, lần lượt nhấc hai đứa kia đặt ngồi bên cạnh rồi bảo tôi: “ Vê năm!”. Tôi ngẩn người không hiểu. Anh Chóong cũng lắc đầu. Con bé lầu bầu một tràng tiếng mẹ đẻ, sốt ruột chỉ tay vào chiếc ti vi. “Vê năm á!”. Tôi chợt nghĩ nó nói chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số, liền chuyển sang kênh VTV5. Đài đang đưa tin một vụ thiên tai ở miền Trung do bão lụt, tiếng phát thanh viên chắc là tiếng H mông vì thấy con bé vui vẻ ra mặt.

Chị Vương Thị Minh người dân tộc La Chí, phụ trách nhà khách có đãi chúng tôi một bữa cơm truyền thống của người H mông. Món mèn mén bằng bột ngô hấp thơm nhưng ngẹn tắc ở cuống họng, bắt buộc phải chiêu thìa canh tẩu trúa nhạt hoét. Món canh này không bao giờ bỏ muối. May mà được bổ sung món gà đen H mông, thịt rang mặn. “ Các anh ăn cho biết và hiểu cho người H mông cả đời ăn như thế đấy”.
 

Tôi nhờ hai cô bé người H Mông dẫn lên đỉnh Lũng Cú. Đường lên cột cờ mấy năm nay mở rộng, nhưng vẫn phải đi vòng quanh sườn núi. Hai cô bé dắt tôi trèo qua lối mòn dựng đứng, phải nắm vào cây mà lên. Chúng giải thích: “Đi đường mình nhanh hơn. Đi đường nhà nước lâu đến lắm”. Đúng vậy. Chỉ leo hai cái dốc là đến chân cột cờ, tuy mệt bở hơi tai.

Đứng trên đỉnh núi, tai nghe tiếng quốc kì phần phật trên cao, mắt nhìn bao quát cả một vùng biên giới rộng lớn. Con sông Nho Quế như dải lụa nhỏ chảy quanh, chia đều biên giới Việt - Trung. Tôi thấy thật sự xúc động vì tình yêu thiêng liêng với miền biên ải Tổ quốc, nỗi xúc động không hề cao xa mà lấp lánh trong ánh mắt trẻ thơ của hai em nhỏ người dân tộc. Chúng ta nói mãi về mục tiêu phấn đấu đưa cuộc sống đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi. Nhưng xem ra ở vùng đất khát này, điều đó không dễ dàng.


Lũng Cú tháng 10/2006

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật