Không dùng túi nilong thì phải có gì thay thế chứ!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ riêng TP.HCM, mỗi ngày có đến... 50 tấn túi nilong thải ra. Các nhà môi trường báo động, túi nilong nguy hại do không thể phân hủy. Thế nhưng, muốn gạt túi nilong ra khỏi cuộc sống thì phải có gì thay thế chứ...
Không dùng túi nilong thì phải có gì thay thế chứ!
Chỉ mua một cái bánh tráng sẽ có 2 túi ni lông để đựng. Ảnh: V.Giang

Ngày xưa, cách đây chưa xa, từ chợ quê cho đến phố phường, chúng ta gói thức ăn, thịt thà bằng các loại lá lẩu – lá chuối, lá dong,lá sen…Chúng ta dùng đủ loại làn tre, giỏ mây, bị cói để đi chợ mua hàng. Thế rồi túi nilông xuất hiện, ai nấy cho rằng như thế mới văn minh, lịch sự và thuận tiện.

Thuận tiện thật, túi nilông vừa mỏng, vừa dễ sử dụng. Việc phát minh ra PE, PP và các loại chất dẻo khác là một bước tiến của khoa học trong lĩnh vực chế tạo ra vật liệu mới, thay thế cho các vật liệu có sẵn trong thiên nhiên. Từ chất dẻo, người ta lại dễ dàng chế tạo ra các loại “nilông”mỏng thành các dạng túi đựng. Nào là túi đựng máy móc. Nào là áo đi mưa, đặc biệt là loại áo mưa mỏng tang chỉ dùng một lần, rẻ như bèo, có vứt đi cũng chẳng tiếc. Đến cả rác rưởi trong nhà trăm thứ bà rằn cũng được túm lại trong túi nilông để đem quẳng ra bãi rác. Các loại túi nilông đã sử dụng, đã vứt đi đem gom lại, tái sử dụng , mặc dù rất mất vệ sinh!

Có thể nói túi nilông thật tuyệt vời! Nhưng càng ngày người ta càng thấy mặt trái của nó. Chung quy cũng chỉ bởi đây là loại vật liệu không thể phân huỷ được. Hãy đến các bãi rác mà xem. Túi nilông không những lẫn lộn mà còn bao bọc đủ thứ rác thải hữu cơ lẽ ra có thể dễ dàng phân huỷ. Muốn phân loại rác thải để tái chế, trước tiên và khó nhất là làm sao loại bỏ được các túi nilông này.

Tại những thành phố lớn, rác thải nilông đã trở thành mối đe doạ khủng khiếp đối với môi trường. TP.HCM mỗi ngày thải ra chừng 50 tấn túi nilông. Ngay cả các thôn huyện xa xôi, chẳng thiếu gì các loại lá làm thức gói, vậy mà vẫn bị túi nilông đánh bạt. Đến thị trấn Sa Pa hay thị trấn Trùng Khánh, sau mỗi phiên chợ, người ta gom rác lại đốt. Khói độc khét lẹt của nilông cháy bao phủ cả thung lũng. Khi đào giếng, đào móng, dưới đất là một tầng “văn hoá nilông” không hề bị phân huỷ sau bao năm tháng...Mà được biết, nilông nằm trong lòng đất trung bình phải nửa thiên niên kỷ mới phân hủy.

Túi nilông đựng rác chất dọc đường phố. Ảnh: V.Giang
Cái tội của túi nilông đã rõ, các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Thậm chí có đề xuất cả “ngày thế giới không dùng túi nilông” nữa. Nhưng tất cả vẫn không lay chuyển được nhận thức của người tiêu dùng. Và nếu như nhận thức có thay đổi đi nữa, thì người ta vẫn phải dùng túi nilông, một khi túi nilông vẫn được ồ ạt sản xuất cung cấp cho xã hội.

Muốn gạt bỏ túi nilông ra khỏi sinh hoạt thường ngày, không thể chỉ hô hào suông được. Chỉ có thể thành hiện thực một khi thực hành hai việc: Cấm dùng và có cái để thay thế.

Việc cấm đoán một điều gì đó là bất đắc dĩ và thường rất khó. Nhưng nếu cần thiết thì vẫn phải làm và làm được. Tương tự như ta đã cấm đốt pháo, cấm đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chẳng hạn.

Song chủ yếu là có cái để thay thế cho nó. Thời đại bây giờ không thể quay lại cái thời dùng lá lẩu để làm bao gói nữa rồi. ( Song hiện nay vẫn thấy gói xôi, gói cốm bằng lá đấy thôi!). Được biết một số nước trên thế giới đã chế tạo thành công loại bao gói nilông tự hủy để thay thế. Ngay tại nước ta cũng đã có những kết quả thực nghiệm thành công trong việc chế tạo bao nilông tự hủy từ bột sắn (mì) và bột ngô. Thậm chí chất lượng tự phân hủy còn cao hơn các sản phẩm nước ngoài nên có thể xuất khẩu được. Nhưng hầu như chẳng thấy tuyên truyền quảng bá gì cả. Việc tiêu thụ lại càng khó hơn, vì giá thành đắt hơn. Nhưng giả dụ được hỗ trợ và sản xuất đại trà chắc chắn giá thành sẽ hạ hơn.

Câu chuyện túi nilông không phải là không có giải pháp.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật