Nước mắt làng “Ô sin“

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày càng có nhiều trẻ em gái ở các xã trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tìm đến với nghề giúp việc (“ô sin”). Bên cạnh những trẻ sống được với nghề thì cũng có nhiều em bị bóc lột và trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo.
Nước mắt làng “Ô sin“
Chị M có đứa con gái 13 tuổi lên thành phố làm nghề "Ô sin" bị bó‌c lộ‌t và hành hạ tàn nhẫn.

Bỏ học làm "Ô sin"

Thôn Đông Hải của xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) có có 90 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo, kiếm sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên đầm phá. Kinh tế bấp bênh, nghèo đói bám riết triền miên nên ngày càng có nhiều trẻ em gái trong thôn bỏ học để lên thành phố làm nghề "Ô sin". Vừa đến đầu thôn, chúng tôi đã ám ảnh bởi câu nói lanh lảnh của một bà cụ tóc bạc: "Các chú tìm trẻ em giúp việc à? Cứ vô đó mà hỏi, nhà mô cũng có".

Theo lời chỉ dẫn của bà cụ, chúng tôi ghé vào nhà chị Thuyền nằm ngay đầu thôn. Ngôi nhà bé xíu và xiêu vẹo được làm bằng tre và lợp bằng những tấm tôn đã gỉ sét lỗ chỗ những vết thủng lớn mà dưới nhìn lên thấy rõ những khoảng trời. Gia đình chị Thuyền có 8 đứa con gái, do không có tiền nuôi con cái đến trường nên đến nay vợ chồng chị đã cho 4 đứa nghỉ học khi vừa hết lớp 3 để lên thành phố làm "Ô sin".

"Còn 3 đứa đang đi học nhưng phải nghỉ học thường xuyên để mò cua bắt ốc đổi gạo. Chờ chúng lớn thêm một chút, tui cũng cho chúng đi làm thuê, hoặc cần thì cho người ta mà kiếm cái ăn. Các chú cần nó giúp việc thì tui sẽ cho một đứa đi bây chừ cũng được" - Chị Thuyền nói khi tưởng chúng tôi tìm đến thuê người giúp việc. Cạnh nhà chị Thuyền, gia đình chị Bé cũng có hai đứa con đi làm "Ô sin" khi vừa học xong lớp 3.

"Vợ chồng tui cũng muốn cho chúng đi học cho biết thêm cái chữ, nhưng hoàn cảnh như ri thì biết lấy chi mà nuôi chúng ăn học. Đành để chúng đi làm "Ô sin" mà tự kiếm cái ăn, cha mẹ không đủ cơm nuôi chúng"- Chị Bé chỉ tay vào ngôi nhà bằng tre xiêu vẹo trống hoác của mình, buồn nói. Thôn Đông Hải, đặc biệt là khu vực 54 hộ dân vạn đò lên định cư ở thôn này là nơi có tỷ lệ trẻ em bỏ học "điển hình" nhất của huyện Phú Lộc.

Trong số 80% trẻ em trong thôn bỏ học sớm thì hầu hết đều đi làm nghề "Ô sin" ở các thành phố. Đã nhiều năm nay, hàng chục nóc nhà lợp bằng tôn xộc xệch, thỉnh thoảng lại run lên bần bật theo những đợt gió từ phá Tam Giang tạt vào ở thôn này thường vắng bóng trẻ em gái. Ngoài lực lượng chính là trẻ em, cũng có nhiều phụ nữ ở thôn này phải bỏ lại gia đình để lên thành phố làm nghề "Ô sin" kiếm sống.

Làng Đập Góc của xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang) cũng được gọi với cái tên đầy chua chát "làng Ô sin". Đây là nơi sinh sống của gần 50 hộ dân vạn đò lên định cư tự phát, là dân góp đến từ 3 xã là Phú An, Phú Mỹ và Phú Xuân, nên xã nào cũng "nhìn nhau" và hậu quả là dân chịu rất nhiều thiệt thòi.

Theo anh Trần Văn Hòa, người có gần 30 năm mở lớp học tình thương để dạy chữ cho trẻ em ở Đập Góc, thì đến nay trong thôn đã có hơn 30 đứa trẻ được cha mẹ cho lên phố làm "Ô sin" để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Đi một về… hai

Chồng mất sớm do gặp tai nạn trong một lần đánh bắt thủy sản bằng xung điện, 2 đứa con của chị Th (thôn Đông Hải) phải bỏ học để cùng mẹ quần quật trên đầm phá để nuôi nhau. Nhưng khổ nỗi, nghề chài lưới thiếu bàn tay của người đàn ông nên mẹ con chị Th không kiếm đủ ngày hai bữa cơm.

Một lần có người đàn ông ở Đà Nẵng về làng tìm người giúp việc nhà, chị Th đã cho hai đứa con đi theo người đàn ông này, mỗi đứa được hứa trả 900 ngàn đồng/ tháng. Tuy thương con vì phải đi làm ăn xa nhưng chị Th cũng rất vui, vì tin rằng kinh tế gia đình rồi đây sẽ bớt cực nhọc hơn. Nhưng niềm vui của chị chẳng tày gang.

Sau hơn một năm vào giúp việc ở Đà Nẵng, hai đứa con của chị Th lần lượt trở về nhà trong tình trạng đã… mang bầu. "Chúng đã bị chính ông chủ nơi chúng làm việc gạ gẫm nên mới nên nông nỗi ni"- Chị Th nức nở. Sau chuỗi ngày khóc ròng, được hàng xóm khuyên bảo, chị Th quyết định cho con đi phá bỏ những giọt máu lạc loài trong bụng nó để còn tính đường chồng con về sau.

Vòng quay nghiệt ngã

Sau khi lên TP. Huế thăm con trở về, ngày nào chị M ở thôn Đông Hải cũng khóc sụt sùi vì xót xa cho đứa con gái 13 tuổi của mình. "Nó bị người ta bắt làm quần quật suốt ngày, không khác chi trâu ngựa, ngày càng gầy rạc đi. Đến nỗi tui lên thăm con mà ông chủ cũng không cho con ngồi nói chuyện với mẹ"- Chị M xót xa kể.

Con gái của chị M là cháu K đang giúp việc ở một quán nhậu cho một ông chủ giàu có ở TP. Huế. Ngày về thôn thuê người, ông chủ này đã hứa hẹn là sẽ cho K vừa học vừa làm và được trả lương một tháng 600 ngàn đồng. Nhưng sau khi cho chị M ứng trước 2,4 triệu đồng tiền công của con gái và đưa được K lên giúp việc, ông chủ giàu có này đã nuốt lời hứa.

Không những không cho K đi học, ông này còn dựng lên lý do cô bé không làm được việc, rồi hạ tiền lương xuống còn 200 ngàn đồng/ tháng. Không những vậy, K còn bị bóc lột sức lao động và thường xuyên bị chửi mắng, đánh đập một cách thậm tệ. Thương con, chị M muốn đưa con về, nhưng khổ nỗi đã lỡ cầm trước tiền của ông chủ. Con gái chị phải lao động quần quật hơn nửa năm trời nữa mới trừ hết số tiền mà mẹ đã ứng.

Một vòng quay nghiệt ngã đang diễn ra ở nhiều làng quê ven phá Tam Giang là hàng nghìn đứa trẻ phải bỏ học từ rất sớm để theo nghề "Ô sin", sau khi về quê lấy chồng lại sinh ra những đứa con phải nghỉ học sớm để làm nghề "Ô sin" như mẹ mình.

Theo Nông Thôn Ngày Nay
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật