Tài xế “đau đầu“ vì phải nâng hạng bằng lái

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Tứ, một tài xế có giấy phép lái xe hạng C chuyên chạy xe đầu kéo lo lắng: Phải nghỉ làm 1 tháng đi học bằng FC, đã mất thu nhập lại còn khoản học phí, nếu chủ xe không cho chắc tôi phải nghỉ chạy để kiếm xe khác nhỏ hơn.
Tài xế “đau đầu“ vì phải nâng hạng bằng lái
Một vụ xe đầu kéo chở container gây tai nạn

Trước thực trạng xe đầu kéo rơ moóc, xe container liên tiếp gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cả nước nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động trong việc quản lý đối với hoạt động của xe đầu kéo, xe rơ moóc.

Tại TP Hồ Chí Minh, để ngăn chặn tình trạng dùng xe đầu kéo, xe rơ moóc chở container chất hàng quá tải, thời gian qua lực lượng CSGT và thanh tra giao thông cũng đã nhiều lần tổ chức phối hợp thực hiện kiểm tra tải trọng đối với xe đầu kéo. Nhưng việc kiểm tra chỉ là phần ngọn bởi các khó khăn như: Không được vào tận cảng, kho bãi để kiểm tra nên lực lượng mỏng không thể kiểm soát hết đối với xe ngoài đường; không thể buộc chủ xe hạ tải tại chỗ…

Từ thực trạng trên, Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới đã quy định người lái xe đầu kéo, xe rơ moóc phải có bằng FC. Nhưng tại một thành phố có số lượng xe đầu kéo lớn nhất cả nước; xe đầu kéo, xe rơ moóc lại chủ yếu được dùng vận tải hàng hóa XNK bằng container đến và đi từ các cảng biển với số lượng khoảng 7.000 chiếc.

Trong lúc, theo con số thống kê của Phòng Quản lý sát hạch cấp phép lái xe - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện tại, phòng này chỉ quản lý khoảng 2.500 giấy phép lái xe hạng F, bao gồm FD, FE trong đó FC chiếm chủ yếu. Như vậy, căn cứ trên số lượng xe đầu kéo, xe rơ moóc hiện có, để đảm bảo cho số đầu xe tải này hoạt động với mỗi xe một tài xế, thành phố đã phải "nhập" lực lượng tài xế có bằng lái dấu F từ tỉnh ngoài lên đến 4.500 người.

Hoạt động đào tạo lái xe ôtô các hạng, nhất là đào tạo, sát hạch lái xe hạng B tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang quá tải, ngoài thời gian phải chờ đợi từ lúc đăng ký học đến lúc được xếp lớp, thì khi học xong, nhanh nhất học viên cũng phải chờ từ 3 - 4 tháng mới tới đợt thi.

Ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Sát hạch cấp phép lái xe - Sở GTVT cho biết: "Với trên 30 cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn hiện tại, chỉ có duy nhất một đơn vị có đủ điều kiện đào tạo lái xe hạng FC là Trường Cao đẳng GTVT TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, một số đơn vị cũng đang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo trình để đăng ký đào tạo tài xế hạng "nặng" này".

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trường đào tạo lái xe Tiến Bộ, đơn vị đang xúc tiến việc tuyển sinh đào tạo lái xe hạng FC ngay trong tháng 4 này cho biết: "Trong việc triển khai đào tạo lái xe hạng FC của các cơ sở tại thành phố thì điều kiện khó nhất là sân bãi. Để có thể đào tạo hạng FC, các đơn vị phải đầu tư rất lớn cho sân bãi, phương tiện… bởi giáo trình đào tạo hạng này hoàn toàn khác với việc đào tạo các hạng B, C. Khi đã có đủ điều kiện về giấy phép, cơ sở vật chất thì để tìm được giáo viên dạy hạng này cũng là một vấn đề không đơn giản. Trong lúc nhu cầu đào tạo lái xe hạng B còn không xuể chính là lý do có ít đơn vị tham gia".

Ông Dũng cũng khẳng định, với số lượng nêu trên và khoảng thời gian 1 năm thì chỉ cần 2 cơ sở đào tạo là hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cho người học tại thành phố bởi mỗi khóa học nâng bằng chỉ kéo dài trong 32 ngày liên tục. Vấn đề học phí cũng là một điều khiến nhiều tài xế băn khoăn, mặc dù mức quy định là 1,5 triệu đồng/khóa học nâng bằng lên FC, nhưng có thể còn cao hơn do đơn vị phải tính toán lại dựa trên khoản khấu hao tài sản, chi phí xăng dầu…

Còn anh Tứ, một tài xế có giấy phép lái xe hạng C chuyên chạy xe đầu kéo lo lắng: "Tôi đang chạy thuê cho chủ xe, phải nghỉ làm 1 tháng đi học, đã mất thu nhập lại còn khoản học phí, nếu chủ xe không cho chắc tôi phải nghỉ chạy để kiếm xe khác nhỏ hơn".

Việc đào tạo, cấp phép lái xe không theo kịp luật đã gây phản ứng trong dư luận xã hội, nhất là của các đơn vị vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn về công tác đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe do Cục Đường bộ soạn thảo trình Bộ GTVT mới đây đã đưa ra đề xuất lùi thời hạn thực hiện quy định người lái xe đầu kéo, xe rơ moóc bắt buộc phải có bằng FC thêm một năm.

Nhưng vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh là việc tổ chức thi sát hạch, nâng hạng giấy phép lái xe cho học viên cũng phải được tiến hành thường xuyên, ngay sau mỗi khóa học. Khi đó mới có thể bảo đảm trong khoảng thời gian 1 năm sẽ đáp ứng kịp nhu cầu cho người học và đào tạo đủ nguồn lao động quan trọng này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật