Ly kỳ cuộc giải cứu tàu Việt Nam khỏi cướp biển Somalia

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 15/3, tàu chở hàng Việt Nam M/V Diamond Falcon bị bọn hải tặc tấn công ở vịnh Aden (vùng biển giữa nam Yemen và bắc Somalia) nhưng thoát nạn an toàn nhờ tàu chiến TCG Giresun (F-491) của Thổ Nhĩ Kỳ và tàu chiến HDMS Absalon của Đan Mạch can thiệp kịp thời.
Ly kỳ cuộc giải cứu tàu Việt Nam khỏi cướp biển Somalia
Tàu M/V Diamond Falcon của Việt Nam hạ thủy ngày 8-5-2008

Thủy thủ đoàn cảnh giác cao

Tàu hàng Việt Nam được giải cứu khỏi tay cướp biển trên Vịnh Aden

Chiều 17/3, trao đổi với báo chí, đại diện Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon Shipping, đơn vị sở hữu tàu M/V Diamond Falcon) cho biết: Tàu M/V Diamond Falcon chở phân urê với thủy thủ đoàn gồm 23 người bị hải tặc tấn công tại vịnh Aden trên đường từ Saudi Arabia sang Thái Lan. May mắn tàu chỉ bị dính một số vết đạn nhưng không ai bị thương. Phần máy móc của tàu không bị ảnh hưởng gì. Sau khi được giải cứu, tàu tiếp tục hành trình và dự kiến hai tuần nữa sẽ cập cảng Thái Lan.

Vùng vịnh Aden nối Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương vốn là địa bàn hải tặc thường xuyên hoành hành. Biết được tình hình này, Công ty Falcon Shipping luôn theo dõi sát sao và dặn dò thủy thủ đoàn các con tàu có hải trình đi qua khu vực này phải thường xuyên cảnh giác.

 

Sáng sớm 15/3, trước khi tàu M/V Diamond Falcon đi vào vùng biển Somalia-Yemen, toàn bộ thủy thủ đoàn đã được cơ quan hàng hải tại khu vực này cảnh báo và yêu cầu nâng cao cảnh giác. Cơ quan hàng hải và Công ty Falcon Shipping cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng cho tàu để liên lạc yêu cầu hỗ trợ nếu có bất trắc xảy ra.

 

Tàu M/V Diamond Falcon vừa vào đến vùng biển Yemen đã phát hiện hai tàu cao tốc tiến đến gần có nhiều dấu hiệu khả nghi. Thuyền trưởng lập tức cho tăng tốc tàu và phát tín hiệu cầu cứu, đồng thời cử người gọi điện thoại báo cơ quan chức năng hỗ trợ. Hai chiếc tàu lạ lộ nguyên hình là tàu cướp biển. Chúng tăng tốc đuổi theo. Bọn hải tặc trên tàu trang bị súng AK cùng một số loại súng hạng nặng bắt đầu nhả đạn tới tấp vào tàu Việt Nam.

 

Nhận được tin báo, lực lượng tuần tra quốc tế trong khu vực gồm hai tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch tức tốc ngoặt hướng chạy đến hiện trường. Phát hiện tàu chiến, bọn hải tặc quay đầu bỏ chạy.

 

Sau khi thoát khỏi vụ cướp, các thủy thủ trên tàu đã thông báo về Việt Nam cho công ty và người nhà biết tin. Đánh giá về sự việc này, đại diện Công ty Falcon Shipping nhận xét: “Rất may mắn là tàu đã thoát khỏi tay cướp biển. Công đầu thuộc về lực lượng liên quân sự có mặt kịp thời trấn áp bọn cướp. Góp phần quan trọng không kém là tinh thần cảnh giác và nhanh trí xử lý tình huống của thủy thủ đoàn”.

 

Tàu chở hàng M/V Diamond Falcon được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng đóng mới năm 2008, hiện thuộc đội tàu của Công ty Falcon Shipping. Tàu có tải trọng 22.500 tấn, dài hơn 150m, rộng 26m.

 

Các điểm xảy ra tấn công của bọn hải tặc tại vịnh Aden trong năm ngoái

 

TCG Giresun: Lực lượng đặc nhiệm hùng hậu

 

Theo nhật báo Huriyyet của Thổ Nhĩ Kỳ, địa điểm tàu M/V Diamond Falcon bị tấn công cách cảng Al Mukalla (Yemen) khoảng 93 km về hướng đông nam và bọn hải tặc Somalia chủ mưu vụ tấn công này.

 

Tàu chiến TCG Giresun (F-491) của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia giải cứu tàu Việt Nam chính thức tham gia lực lượng đặc nhiệm phối hợp tuần tra chống cướp biển CTF-151 tại vịnh Aden từ ngày 25/2/2009. Thời gian hoạt động trong vòng bốn tháng.

 

Lực lượng đặc nhiệm phối hợp CFT-151 do Mỹ dẫn đầu được thành lập theo nghị quyết của LHQ vào tháng 12-2008 nhằm phối hợp các lực lượng hải quân quốc tế chống hải tặc tại vịnh Aden, biển Ả Rập, biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Ngoài lực lượng CFT-151, tại vùng vịnh Aden còn có lực lượng tàu chiến của Liên minh châu Âu, lực lượng của NATO và tàu của các nước châu Á tham gia tuần tra chống cướp biển.

 

Vụ ngăn chặn hải tặc Somalia tấn công tàu hàng M/V Diamond Falcon của Việt Nam là chiến công đầu tiên của tàu TCG Giresun. Thủy thủ đoàn trên tàu 263 người gồm 32 sĩ quan cấp cao, 159 sĩ quan cấp thấp và 72 tân binh. Tàu được trang bị tên lửa định hướng và hai máy bay trực thăng chiến đấu AB-212 ASW. Lực lượng đặc nhiệm trên tàu được trang bị súng phóng lựu RPG-7.

 

Tàu chiến TCG Giresun

 

HDMS Absalon: “Dũng sĩ” chống hải tặc

 

Tàu chiến thứ hai giải cứu tàu Việt Nam là tàu đô đốc HDMS Absalon của hải quân Hoàng gia Đan Mạch. Quân số trên tàu gồm 150 người, trong đó có đội đặc nhiệm tinh nhuệ 50 người. Tàu có thể chiến đấu trên biển, tấn công vào đất liền hoặc đóng vai trò tàu chỉ huy và hỗ trợ trên biển.

 

Tàu được trang bị 7 súng máy hạng nặng, 16 tên lửa đất đối đất Harpoon Block II SSM, bốn tên lửa vác vai Stinger SAM, ba dàn phóng tên lửa đất đối không và hai súng bắn ngư lôi. Ngoài ra, tàu còn chở theo hai máy bay trực thăng chiến đấu EH-101.

 

Giữa tháng 9 năm ngoái, tàu HDMS Absalon bắt đầu tham gia chỉ huy lực lượng đặc nhiệm phối hợp CTF-150 gồm 20 tàu chiến.

 

Tàu HDMS Absalon được xem là tàu chiến hoạt động hiệu quả nhất ở vịnh Aden với 88 lần ngăn chặn hải tặc thành công. Ngày 3/12/2008, tàu đã giải cứu một chiếc tàu nhỏ bị chết máy của bọn hải tặc Somalia trôi dạt nhiều ngày ngoài khơi Yemen. Tàu này có trang bị súng phóng lựu và súng trường AK-47. Sau khi bắt giữ bảy tên trên tàu và tịch thu toàn bộ vũ khí, tàu HDMS Absalon đã đánh chìm tàu của bọn hải tặc, sau đó giao nộp bọn chúng cho lực lượng tuần duyên Yemen.


Đầu tháng 1, tàu HDMS Absalon đã bắt giữ năm tên hải tặc Somalia ngoài khơi bờ biển đông châu Phi khi chúng định phục kích tấn công một con tàu Hà Lan. Năm tên hải tặc được giao nộp cho Bahrain và sau đó đã được đưa về Hà Lan chờ ngày xét xử.

 

Gần đây nhất, ngày 25/2, tàu HDMS Absalon đã nhận được tín hiệu kêu cứu của một tàu buôn Trung Quốc ở vịnh Aden. Tàu chiến đến hiện trường, khống chế một chiếc tàu nhỏ chở bảy tên hải tặc. Sau khi tước vũ khí của bọn chúng, tàu thả cho chúng đi. Lý do thả là vì không có bằng chứng cho thấy bọn chúng cùng phe với bọn hải tặc tấn công tàu Trung Quốc. 

 

Tàu đô đốc HDMS Absalon

 

- CTF-150 là lực lượng hải quân đa quốc gia được thành lập theo sáng kiến của Mỹ trong khuôn khổ chiến dịch Tự do bền vững sau vụ khủ‌ng b‌ố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Nhiệm vụ ban đầu của lực lượng này là chống khủ‌ng b‌ố, ngăn chặn buôn lậu vũ khí. Từ tháng 8/2008, lực lượng CTF-150 đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chống hải tặc trên vịnh Aden.

 

- Ngày 10/11/2008, lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), bộ trưởng Quốc phòng các nước EU đã ra tuyên bố chung chính thức bật đèn xanh triển khai chiến dịch phối hợp không quân - hải quân chống hải tặc tại vùng Sừng châu Phi. Chiến dịch mang mật danh Eunavfor Atalanta. Lực lượng EU chống hải tặc sẽ phối hợp với lực lượng NATO đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu bè qua lại biển Aden.

 

Ngày 16/12/2008, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 1851 cho phép các nước thành viên LHQ truy lùng hải tặc Somalia trên đất liền và trên không bằng mọi phương tiện cần thiết và thích hợp với điều kiện được Somalia đồng ý. Nghị quyết 1851 cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia tích cực đấu tranh chống hải tặc Somalia, kêu gọi các bên xem xét thành lập một trung tâm khu vực để điều phối thông tin về hải tặc và cướp có vũ trang, đồng thời củng cố khả năng của khu vực trong công tác điều tra, truy tố hải tặc.

 

Đây là nghị quyết thứ tư về hải tặc Somalia được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua. Tại phiên họp, Đại sứ Hoàng Chí Trung, đại biện lâm thời Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ, phát biểu Việt Nam mong muốn các biện pháp được thực hiện trong khuôn khổ nghị quyết này phải phù hợp với các hiệp ước quốc tế và luật quốc tế.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật