Xung đột trở nên “đặc biệt nghiêm trọng“ ở Ukraine

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ riêng trong 24 giờ qua, đã có hàng chục người thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường do các vụ xung đột tại miền Đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập. Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để dân thường có thể chạy trốn xung đột.
Xung đột trở nên “đặc biệt nghiêm trọng“ ở  Ukraine
Lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine (ảnh: EPA)

Theo giới quan sát cuộc xung đột này không chỉ còn là giữa quân đội Ukraine và lực lượng đối lập nữa mà các địa điểm dân sự đang ngày càng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.

Mới đây nhất, ngày hôm qua, một bệnh viện ở Donetsk đã bị trúng đạn, làm ít nhất 4 dân thường thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/2 đã phải thừa nhận, các cuộc đàm phán đã không dẫn tới "những kết quả mong muốn" và tình hình tại Ukraine đang xấu đi “nghiêm trọng”.

“Tiến trình đàm phán vẫn chưa thất bại, song lại không đi tới kết quả nhanh như chúng ta muốn. Và tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Tuy nhiên các nỗ lực ngoại giao sẽ vẫn được tiếp tục”, Thủ tướng Đức nói.

Người đứng đầu phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine Ertugrul Apakan đã kêu gọi thiết lập một hành lang nhân đạo để sơ tán người dân khỏi khu vực chiến sự tại miền Đông Ukraine.

Theo ông Ertugrul Apakan, ngày càng có nhiều người dân ở Debaltsevo phải rời bỏ nhà cửa và nhiều người dân ở miền Đông Ukraine cũng đã gánh chịu những mất mát lớn trong suốt hơn 9 tháng giao tranh vừa qua. Ông Ertugrul Apakan cho rằng điều duy nhất có thể đem lại hòa bình là các bên quay trở lại bàn đàm phán thực hiện thỏa thuận Minsk.

Theo Liên Hợp Quốc, các vụ đấu pháo giữa quân đội Ukraine và lực lượng đối lập đã làm hơn 5.300 người chết trong 10 tháng qua, với hàng chục dân thường thiệt mạng mỗi ngày.

Lãnh đạo lực lượng đối lập tại miền Đông mới đây thừa nhận, dù các bên đã ký thỏa thuận về việc thiết lập hành lang nhân đạo nhằm tạo điều kiện cho việc sơ tán dân thường, song việc triển khai lại rất khó khăn.

Trong khi các địa diểm dân sự đang ngày càng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công tại Ukraine, thì vấn đề gây chú ý những ngày qua lại là việc các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ tuyên bố, nước này đang câm nhắc khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Đây là một động thái được xem là có thể "đổ thêm dầu vào lửa" những căng thẳng hiện nay tại Ukraine, cũng như làm gia tăng thế đối đầu giữa Nga và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm Ukraine, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/2 cho rằng, ngay từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, chính quyền Mỹ đã nói rõ rằng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng, song Ukraine có quyền tự vệ và Mỹ đang cung cấp cho Ukraine một sự trợ giúp về an ninh để đảm bảo điều này.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kế hoạch này sẽ chưa thể được triển khai trong ngắn hạn, bởi chính quyền Mỹ sẽ phải cân nhắc rất nhiều tới phản ứng của Nga, cũng như các đồng minh khác tại châu Âu.

Do những mối ràng buộc về kinh tế, các đồng minh châu Âu của Mỹ không muốn gia tăng căng thẳng với Nga, sau khi đã gia tăng các lệnh trừng phạt với nước này. Chính phủ Pháp và Đức ngày 4/2 đồng loạt khẳng định sẽ không hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine và cho rằng, việc cần thiết lúc này vẫn là tiếp tục các lệnh trừng phạt.

Tuần này được dự báo là một tuần mang tính quyết định đối với Ukraine khi hàng loạt cố vấn chóp bu của Nhà trắng sẽ  tiếp tục thảo luận về các phương án cung cấp vũ khí nóng cho Ukraine.

Trong khi đó, cả phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Kerry ngày 5/2 đều có kế hoạch tới Ukraine trước khi lên đường sáng Đức để tham dự Hội nghị an ninh quốc tế Munich.

Đầu tuần tới, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ tới Mỹ để xác định một đường hướng chính trị rõ ràng với Tổng thống Mỹ Barack Obama trước cuộc gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Brussels vào ngày 12/2 tới

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật