Xét xử đại án Huyền Như: Lật tẩy thủ đoạn của “siêu lừa”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bước sang ngày xét xử thứ ba (17.12), tòa phúc thẩm xoay quanh phần xét hỏi về số tiền của Cty cổ phần chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Cty Bảo hiểm Toàn Cầu và Cty cổ phần chứng khoán Phương Đông mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt.
Xét xử đại án Huyền Như: Lật tẩy thủ đoạn của “siêu lừa”
“Siêu lừa” bỗng nhiên… khóc! Ảnh: Phùng Bắc

"Chiêu” giả hồ sơ chữ ký và con dấu

Theo đại diện SBBS, SBBS gửi tiền trực tiếp vào tài khoản mở tại Vietinbank chi nhánh TPHCM. Tuy nhiên, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cho rằng: “Thông qua Vũ Minh Hải - người môi giới - nên bị cáo biết Cty SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh TPHCM. bị cáo đã gặp, trao đổi về mức tiền gửi và lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi ngoài là từ 16-18%/năm”.

bị cáo Huyền Như cho rằng, chính mình đã làm giả 14 hợp đồng, ký giả chữ ký của Hà Anh Tuấn (Giám đốc) và Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè). Chưa hết, “siêu lừa” còn đóng dấu giả Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động 225 tỉ đồng của SBBS. Sau khi làm giả các hợp đồng, Huyền Như bắt đầu thực hiện làm lệnh chi giả, ký giả chữ ký của chủ tài khoản - bà Yeipheek Joo - Tổng giám đốc Cty SBBS và đóng dấu giả của Cty SBBS, rồi chiếm đoạt 210 tỉ đồng của SBBS.

Tương tự như đã làm với SBBS, bị cáo Huyền Như cũng thừa nhận đã ký giả 5 hợp đồng uỷ thác đầu tư giữa Cty bảo hiểm Toàn Cầu với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh (Giám đốc) và Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) rồi yêu cầu Cty Toàn Cầu chuyển 125 tỉ đồng vào tài khoản của Cty. Huyền Như tiếp tục làm lệnh chi giả chiếm đoạt toàn bộ 125 tỉ đồng của Cty bảo hiểm Toàn Cầu.

Chiếm đoạt tiền để trả… nợ

Tham gia phần xét hỏi, vị đại diện VKSND tối cao, giữ quyền công tố tại tòa, xét hỏi bị cáo Huyền Như về số tiền bị cáo Như chiếm đoạt của Cty cổ phần chứng khoán Phương Đông. bị cáo Như thừa nhận thực hiện hồ sơ giả để trực tiếp chiếm đoạt. bị cáo Huyền Như cho rằng, đã bỏ tiền túi ra để trả tiền lãi suất chênh lệch cho Cty Phương Đông, Vietinbank không biết.

VKS hỏi bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh, bị cáo Như khai: bị cáo Như có giao hợp đồng ký với Cty Phương Đông cho bị cáo Tuyết Anh giữ, có đúng không? bị cáo Tuyết Anh trả lời có biết. Tuy nhiên, khi trả lời về các lệnh rút tiền chiếm đoạt của bị cáo Như, bị cáo Tuyết Anh cho rằng mình không biết. Luật sư hỏi bị cáo Như, vì sao bị cáo bỏ ra vài trăm tỉ đồng chi cho các khách hàng với mức chi vượt lãi suất trần? bị cáo Như cho rằng, đầu tư, chiêu dụ khách hàng sau đó mới chiếm đoạt tiền của họ. Vậy bị cáo chiếm đoạt tiền có tính toán từ trước? bị cáo Như: “Dạ, thưa phải”.

Khoảng tháng 8.2011, bị cáo Như đặt vấn đề Cty Phương Đông gửi vào Vietinbank Chi nhánh TPHCM, lãi suất theo hợp đồng 14%/năm, chênh ngoài hợp đồng 5-5,5%/năm. Để được lãnh đạo đồng ý ký hợp đồng, Như chỉ báo cáo lãi suất theo hợp đồng 14%/năm, chênh ngoài hợp đồng 0,5%/năm thấp hơn lãi suất Như đã thỏa thuận.

Từ ngày 11.8.2011-12.9.2011, Cty Phương Đông - khi chưa ký hợp đồng - thì đã chuyển vào tài khoản thanh toán mở tại Vietbank chi nhánh TPHCM 1.190 tỉ đồng theo chỉ định của Như, từ đó bị cáo Như tự trích chuyển 380 tỉ đồng từ tài khoản thanh toán của Cty Phương Đông cho Cty Đức Minh Quang 100 tỉ đồng, Cty Thịnh Phát 150 tỉ đồng, Cty Phúc Vinh 130 tỉ đồng để Huyền Như trả nợ.

Sau đó, để hợp thức hóa việc chuyển tiền của Cty Phương Đông - tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Như đã đề nghị Vũ Hồng Hạnh - Tổng giám đốc Cty Phương Đông - ký 7 lệnh chi khống, hợp thức hóa lệnh chi cho Huyền Như... Đến nay, Như đã trả được 1.310 tỉ đồng, còn lại chiếm đoạt của Cty Phương Đông 380 tỉ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật