Lang thang trong Điếu Ngư Đài

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần thứ nhất tôi đến Điếu Ngư Đài trong chức phận của một phóng viên tham gia trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Hoa của Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu tháng 2/1999. Vậy nên mới có cái cớ để mà lang thang chứ cỡ thường dân như mình làm sao có quyền để mà tản bộ ở nơi Nhà nước Trung Hoa chuyên dùng để họp bàn việc nước như thế?
Lang thang trong Điếu Ngư Đài
Tác giả bên Điếu Ngư Đài.

Tôi ngờ rằng Điếu Ngư Đài (ĐNĐ) ở Bắc Kinh chỉ đơn thuần để gọi nơi vua ngồi câu cá chứ không thể mô phỏng hoặc dùng lại địa danh nổi tiếng Điếu Ngư  thuộc quận Hợp Xuyên của thành phố Trùng Khánh.

Đó là chiến trường lớn thời Trung cổ diễn ra trận huyết chiến của Trung Quốc với quân Mông. Trong 36 năm từ năm 1243 đến 1279 tại đây đã diễn ra hơn 200 trận đánh lớn. Thông tin thời đó chậm rì rì ấy thế mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không hiểu bằng cách nào mà đã khá am tường sự kiện thậm chí còn lấy tên viên đại tướng Vương Công Kiên chỉ huy giữ thành để làm gương răn quân sĩ trong bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng.

Vương Công Kiên là người như thế nào... lại càng chả phải để lấy tên một hòn đảo xa tít mù khơi có tên là ĐNĐ hiện đang tranh chấp với Nhật Bản. ĐNĐ đơn giản được khởi công xây dựng từ triều đại nhà Kim (năm 1115) với liên hoàn các cung điện lầu son gác tía cùng lam sơn thủy tú để các hoàng đế nhà Kim đến nghỉ ngơi câu cá. Vậy nên mới có tên là ĐNĐ.

Tác giả bên Điếu Ngư Đài.

Sau triều Kim, nối tiếp các triều  Tống, Nguyên, Minh, Thanh, ĐNĐ dường như vẫn tiếp tục phát huy hết công suất của cái đẹp ở một vị trí địa lợi. Tiếp tục những lần cải tạo cùng nâng cấp để trở thành một nơi tiên cung hạ giới.

Hệ thống 15 biệt thự sang trọng kiến trúc cực kỳ hài hòa Âu - Á rải rác trong rừng tùng trúc xum xuê mướt xanh trong ĐNĐ như tôi thấy lần thứ nhất là công trình được xây cất nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập CHND Trung Hoa theo chỉ thị của Thủ tướng (TT) Chu Ân Lai.

Mỗi biệt thự như thế tùy theo các cấp độ sang trọng mà bố trí hệ thống tầng lẫn số phòng nghỉ ngủ và được gọi là lầu. Trong tổng số các lầu, người ta không đánh số 1 và số 13. Lầu 18 là lầu sang nhất còn gọi là Lầu Tổng thống.

Trong chuyến thăm, một bữa cánh báo chí tháp tùng chúng tôi (bộ phận báo chí và tùy tùng không được ở trong khu vực ĐNĐ mà ở kế bên thông nhau bằng cánh cổng vòm lớn) nhân có việc được gọi đến Lầu Tổng thống là nơi dành riêng cho TBT Lê Khả Phiêu nghỉ ngơi và làm việc trong những ngày lưu lại Bắc Kinh. Thả bước trên lối đi khúc thì được trang trí bằng những viên sỏi sắc đen, sắc trắng, khúc thì được ốp được viền những mảng đá các màu nom rất bắt mắt.

Những tàn tùng cổ mà chỉ được thấy trong những minh họa trong truyện “Tam Quốc”, “Thủy Hử” nay lòa xòa rất ngoạn mục lúc giăng trên đầu khi  ngang tầm mắt  hoặc bên lối đi. Thứ cỏ rải rác đó đây hình như không phải là thứ cỏ thường thấy trên sân golf hay trong các vườn cảnh mà ngó mượt lẫn thắm.

Thi thoảng những khúc quanh lại đột ngột có những đoạn suối trong leo lẻo nước tuôn róc rách và kỳ lạ chưa, cứ tưởng loại chim thú nhồi nhưng đấy là những con bạch hạc màu trắng xám chắc được nuôi dưỡng đã lâu trong khuôn viên nên rất dạn người, con thanh mảnh con lụ khụ đứng trầm mặc như những triết gia bên những cụm giả sơn hoặc suối nhân tạo. Không gian ngập tràn một sắc xanh huyền ảo bởi ánh nắng được lọc qua muôn vàn tán cây các loại lẫn chim chóc cứ ríu ran.

Căn biệt thự màu trắng toát rất hợp với khung cảnh lâm tuyền thoắt trở nên vắng lặng khi chúng tôi đặt chân đến. Lá quốc kỳ đỏ thắm phấp phới chỗ mặt tiền của biệt thự chỉ dấu nguyên thủ của một quốc gia đang ngự nơi này. Bên lối đi là chĩnh chện chiếc xe đen bóng hiệu Hồng Kỳ loại chống đạn, trên đầu xe cũng nghiêm ngắn hai lá cờ Trung - Việt. Chuyên xa dành cho TBT trong thời gian ở Bắc Kinh.

Bên lối đi là các m‌ỹ n‌ữ Trung Hoa trong sắc phục màu hồng rất bắt mắt hết thảy đều có động thái cúi đầu rất duyên dáng mỗi lúc có khách đi qua. Từng ghé mắt vài lần khi coi cuộc thi hoa hậu này khác nhưng tôi có thể khẳng định ngay rằng các cô phục vụ ở các lầu các biệt thự khác thì không biết thế nào nhưng riêng Lầu Tổng thống đây thì có thể chấm luôn cỡ trên cả hoa hậu lẫn á hậu!

Chứ không à? Bởi sau này tôi có nghe thêm, phục vụ trong ĐNĐ nghe đâu chỉ lựa các m‌ỹ n‌ữ từ 18-20 tuổi, có sắc lại có cả tài, hầu hết lại thông thạo một ngoại ngữ. Nội cái việc đứng ở đây thôi để làm công việc lễ tân thì là bộ mặt của một quốc gia và là quốc thể rồi còn gì!  Cái câu quốc sắc thiên hương mà đem vận vào trường hợp lẫn khung cảnh này có lẽ cũng không quá?

Một góc Điếu Ngư Đài.

Được đến sớm trước giờ TBT phải tiếp khách nên chúng tôi có thời gian la cà khắp Lầu Tổng thống. Trên lối đi có một kệ báo. Tôi rút ra tờ Nhân Dân nhật báo ra sáng hôm đó, ngày 26/2/1999. Tờ Nhân Dân nhật báo trang nhất đăng hình lớn TBT Lê Khả Phiêu và TBT Giang Trạch Dân bắt tay tươi cười kèm bài tường thuật của ký giả Mạnh Nhân Tuyền  và kế bên là tin bài TT Chu Dung Cơ hội kiến với Tổng thống B.Eltsin Mạc Tư Khoa. Mục dự báo thời tiết cũng được in ngay vị trí trang trọng của trang nhất: nhiệt độ 12oC. Gió hướng Bắc. Sức gió cấp 4, cấp 5.

ANTĐ


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật