Săn “chiến binh hai sừng“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
To khỏe, hiếu chiến và lỳ lợm, giống trâu Sốp Cộp ở ven trời Tây Bắc làm mê mẩn tất cả cánh chơi trâu chọi miền Bắc.
Săn “chiến binh hai sừng“
Với độ dài và rộng đến hơn 1 m, sừng trâu Sốp Cộp là bảo vật của nhiều gia đình nơi đây.

Trước đây, để có một con trâu chọi tốt nhất, các lão niên trong nghề này  thường tới Quỳ Hợp (Nghệ An), Yên Bái và tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào...Thế nhưng, những năm gần đây, cánh săn trâu chọi lại quay về huyện Sốp Cộp (Sơn La), mảnh đất từng sản sinh ra những con trâu chọi huyền thoại.

Huyền thoại về trâu Sốp Cộp

Cứ sau Tết âm lịch, các xã Mường Lèo, Mường Lạn, San Quảng…của huyện Sốp Cộp lại rầm rập bước chân của thợ săn trâu, đông nhất là “thợ” Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng). Nhà có trâu đẹp thì cả ngày tiếp khách, người lật móng, lật tai, kẻ xem khoang, xem khoáy…như trong cuộc thi tuyển người đẹp.

Hội chọi trâu ở Hải Lựu diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, theo sử sách, đây là nơi có lễ hội chọi trâu sớm nhất nước ta, từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên.

Là người rất mê chọi trâu, ông Lê Quý Hùng, Bí thư huyện Lập Thạch cho biết: sử sách của làng có ghi, người Hải Lựu từ xa xưa đã lặn lội đến nhiều vùng đất để săn trâu chọi cho lễ hội, trong đó có ghi danh giống trâu Sốp Cộp. Loại trâu này rất giỏi ứng biến và ra những đòn khá hiểm ác khi lâm trận. 

Nổi tiếng trong giới săn trâu chọi ở Hải Lựu, ông Trần Văn Tú (60 tuổi) kể, năm 2002, lễ hội chọi trâu Hải Lựu phục hồi sau 45 năm bị gián đoạn, ông đã “khăn gói quả mướp” lên Sốp Cộp. Vốn là một lái trâu nên vừa nhìn thấy “tướng và dáng” trâu Sốp Cộp, ông Tú đã mê mẩn và mua liền hai con. “Xét hình tướng trâu, trâu chọi phải hội tụ những yếu tố: trường đùi, rộng ức, cổ cò, khu nhọn, da đồng, móng sò, đuôi chai, tai lá mít, đít lồng bàn, mắt he đỏ…Ngay lúc đó, tôi đã chắc hai con này sẽ làm nên chuyện”, ông Tú nhớ lại.

Quản lý vận chuyển trâu bò thời đó khá chặt. Ông Tú phải dắt bộ hai con trâu, ngày nghỉ đêm đi, theo đường tắt qua Mai Sơn, Cò Nòi, đèo Chẹn, Song Pẹ rồi Phù Yên, Thanh Sơn, mất một tuần mới về đến Hải Lựu. Ông bán một con với giá 60 triệu đồng, con còn lại đem đi chọi và giành quán quân hai mùa giải. Năm 2004, ông đã phải dứt ruột bán nó cho một tay chọi trâu ở Đồ Sơn để lấy tiền trang trải thuốc men cho vợ. Về phố biển Đồ Sơn, nó có thêm một mùa giải lẫm liệt rồi sau bị đem ra “hành quyết” để ăn mừng (tất cả trâu chọi ở Đồ Sơn đều bị “làm thịt” ngay sau khi kết thúc giải).


Theo ông Cầm Văn Quang, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Sốp Cộp, trâu Sốp Cộp có những ưu điểm rất quý, không chỉ to con, khỏe, dai sức mà còn rất “húng chiến” và lỳ lợm khi lâm trận. Từng quản lý đàn gia súc lớn trên địa bàn, ông Quang đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến nảy lửa giữa những con trâu đực. “Sấm nổ ngang tai cũng không thể kéo chúng ra ra khỏi cuộc chiến. Nhiều cặp húc nhau cả ngày vẫn bất phân thắng”.

Trâu Sốp Cộp nổi tiếng dễ nuôi, to con và đánh khỏe.

 

Người dân phải dùng giẻ tẩm dầu quấn vào đầu cây tre để đốt và hơ vào dái trâu, mới lôi được chúng ra khỏi cuộc chiến. Nhưng nhiều con trâu có tật thù dai, thậm chí đang kéo xe hàng nặng cả tấn thấy “kẻ thù cũ” cũng lao vào húc. Gặp những con trâu như vậy, các gia đình đành phải thương thuyết với nhau để mổ thịt một con, bởi để vậy không những sẽ mất cả hai con mà có thể gây tai họa cho dân bản. Huyện Sốp Cộp hiện đứng đầu tỉnh Sơn La về số lượng trâu với 17.000 con.

Những cặp sừng vô giá

Ông Giàng Chứ Măng, một người Mông ở Mường Lèo cho biết, gia đình ông đã du canh, du cư từ Mù Căng Chải (Yên Bái), Tân Kỳ (Nghệ An), rồi Pơ Xi Luông, Nong Phăn, Hủa Phăn của Lào.

Thế nhưng, ông chưa thấy nơi nào có giống trâu dễ nuôi, to con và đánh nhau khỏe như ở Mường Lèo và Mường Lạn (Sốp Cộp). Ngay cả giống trâu Hủa Phăn bên nước bạn Lào, nơi các tay săn trâu Hải Phòng hay tìm đến, cũng kém xa trâu Sốp Cộp. Nhà ông Giàng Chứ Măng lúc nào cũng duy trì đàn trâu lên đến 60 con. Ngoài bán trâu thịt, mỗi năm ông cũng bán được hai, ba con trâu cho các sới chọi.

Ông Đèo Văn Tuận, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lèo cho biết, sở dĩ Mường Lèo có giống trâu chọi tốt vì ở đây còn giữ được nguồn gene chưa bị pha tạp. Thêm nữa, đất này còn có rất nhiều trăn. Theo kinh nghiệm của ông Tuận, đất nào có nhiều trăn sinh sống sẽ hợp với trâu, chỗ cỏ nào có trăn bò qua sẽ để lại một thứ hơi mà trâu ăn vào sẽ lớn như thổi.


Chưa có căn cứ khoa học nào để xác thực câu chuyện ông Tuận kể. Nhưng tôi chợt nhớ đến cách “hồ” trâu rất đặc biệt ở Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), làng giết mổ trâu, bò khá lớn ở miền Bắc.

Họ buộc 5, 6 con trâu vào một cây gỗ khá to cắm giữa sân nhà. Hằng ngày, người ta bôi mỡ trăn lên cây cột đó, không hiểu sao trâu cứ liếm cột vài ngày là béo tốt lạ thường. Mường Lèo có 391 hộ gia đình, nhưng có đến 2.000 con trâu chăn thả. Theo ông Tuận, rất nhiều hộ dân ở đây giàu lên nhờ bán trâu cho dân chọi của miền xuôi.

Cuộc chiến nảy lửa giữa những chú trâu 'chiến'.

 

Ngoài một số tiêu chí về “dáng, tướng”, con trâu chọi tốt phải có cặp sừng có hình cánh cung, từ mũi sừng này sang mũi sừng kia tối thiểu phải rộng 86 cm. Lần đầu tận mắt chứng kiến cặp sừng trâu ở Sốp Cộp, dân ngoại đạo như chúng tôi thực sự “choáng váng”. Có những con trâu có cặp sừng mà độ dài từ mũi sừng này sang mũi sừng kia lên đến hơn 1 m.

Nhiều hộ gia đình ở đây có những con trâu “lợi chủ”, nghĩa là nuôi nó sẽ đem lại nhiều phúc lộc cho gia đình. Họ không bao giờ bán hay giết thịt con con trâu này mà phải nuôi nó đến chết. Sau khi trâu chết, người ta giữ lại bộ sừng coi như bảo vật của gia đình. Dù được trả giá cao đến mấy, họ cũng không bán đi bộ sừng đồ sộ và quý giá đó. Nhiều cán bộ, công chức ở đây còn lấy sừng để trang trí nơi làm việc như người Tây Nguyên một thời dùng ngà voi vậy.

Tết đến là thời điểm người Sốp Cộp chuẩn bị làm nương. Các gia đình ở nhiều thôn bản thường tổ chức cúng cơm để “gọi trâu” về nhà. Sau khi mùa màng kết thúc, trâu, bò lại được thả tự do vào rừng. Lúc nào cần sức cầy, cần bán thì người dân lại vào rừng “gọi trâu” về mà không lo bị mất hay bị nhà khác giết thịt. Cũng thời gian này, thợ săn trâu chọi bắt đầu nhộn nhịp tìm đến Sốp Cộp, và số tiền bán trâu cũng giúp cho người dân nơi đây một cái Tết tươm tất. 

ĐV

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật