Tuyển giảng viên đại học :Lương ‘chạy’ sau chuẩn!

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 thì trình độ chuẩn của chức danh giảng viên (GV) giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên.
Tuyển giảng viên đại học :Lương ‘chạy’ sau chuẩn!
Ảnh minh họa

Điều này cũng đồng nghĩa các cơ sở giáo dục đại học phải thay đổi tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên - thay vì là tốt nghiệp đại học loại khá giỏi trở lên như trước.

Bên cạnh đó, thu nhập không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục đại học lẫn thị trường bên ngoài khiến cho nguồn GV đại học đã ít nay lại càng khan hiếm hơn.

Nghịch chuẩn

Nhiều năm qua, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tự hào với một qui trình tuyển dụng rất chặt chẽ. Ứng viên phải trải qua 3 vòng, gồm: kiểm tra tiếng Anh, tin học, IQ (vòng 1); phỏng vấn tại đơn vị, giảng thử (đối với GV) (vòng 2); phỏng vấn trực tiếp với hội đồng tuyển dụng, hiệu trưởng (vòng 3). Có những trường hợp ứng viên có bằng cấp chuyên môn đầy đủ nhưng khi kiểm tra IQ thì không đạt hoặc đã qua 2 vòng nhưng tới vòng thứ 3 thì trả lời không thuyết phục hội đồng tuyển dụng cũng đành ra về.

Ông Bùi Văn Học – nguyên trưởng phòng Tổ chức cán bộ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (từ 2003 đến 6/2013), cho biết: Hàng năm, trường có 2 đợt tuyển dụng CBVC, giảng viên. Tuy nhiên, mỗi lần tuyển cũng chỉ được 60-70%. Nói về nguyên nhân, ông Học cho rằng có hai nguyên nhân chính: có thể do yêu cầu về trình độ của trường cao hơn mức một số người dự tuyển, cũng có thể do mức lương không đủ hấp dẫn người dự tuyển.

Tương tự, một cán bộ phụ trách nhân sự của trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học TPHCM (HUFLIT), cho biết: Năm học vừa qua, việc tuyển dụng GV của trường cũng không đạt chỉ tiêu đề ra, một phần do ứng viên không đạt được yêu cầu, hoặc cũng có trường hợp ứng viên đạt yêu cầu nhưng đến khi thương thảo ký hợp đồng thì xin thôi không làm vì không hài lòng với mức lương…

Hằng năm, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có 2 đợt tuyển mới GV. Một cán bộ phụ trách tuyển dụng của trường, cho biết: Trước đây trường không quá khó khăn về nguồn GV vì mỗi năm có khoảng 10 sinh viên giỏi và thủ khoa được giữ lại. Nhưng hiện nay quy định GV phải từ thạc sĩ trở lên, nên nguồn này coi như khá bị... cạn. Cũng có một số GV được trường cử đi học thạc sĩ ở nước ngoài nhưng khi về thì đi làm ở những chỗ khác.

Lý giải điều này, ThS. Lý Đan Thanh – giảng viên HUFLIT, chia sẻ: Các trường công lập vướng quy định về mức lương, quy trình tuyển dụng lại phức tạp, một số trường quản lý thời gian theo kiểu hành chính khiến GV cảm thấy gò bó… Đa số những người trẻ năng động và có trình độ ít khi lựa chọn làm GV, họ thích ra ngoài làm việc không chỉ vì thu nhập cao hơn mà còn vì môi trường thoải mái hơn.

“Săn” giảng viên

Trước tình trạng khan hiếm nguồn GV có trình độ cao, một số trường đẩy mạnh việc chiêu mộ nguồn lực bên ngoài bằng chính sách “trải thảm”. ĐH Công nghiệp TPHCM đưa hẳn vào quy chế: CBVC ở nơi khác về trường được hỗ trợ ban đầu 50 triệu đối với trình độ TS, 70 triệu đối với PGS, 100 triệu đối với GS. Bên cạnh đó chế độ lương cũng ưu đãi. TS ngoài tiền lương bình thường, mỗi tháng được cộng thêm 2 triệu. Còn CBVC của trường lấy được bằng TS về được thanh toán toàn bộ tiền học phí và thưởng 50 triệu.

Để thu hút nhiều TS từ nước ngoài về, Đại học Đà Nẵng xúc tiến hỗ trợ các thủ tục hưởng ưu đãi như được mua đất giá “mềm” hoặc thuê chung cư, căn hộ của thành phố. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM áp dụng chính sách tuyển CBVC có trình độ TS riêng, không qua quy trình thi tuyển bình thường, chỉ cần phỏng vấn trực tiếp với hiệu trưởng và tạo điều kiện việc làm cho vợ hoặc chồng của CBVC có trình độ TS nếu có nguyện vọng về trường…

Ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Minh Quang – Quản lý phòng Tổ chức Hành chính, thư ký Ban giám hiệu, cho biết: GV đi học được nhà trường hỗ trợ về mặt học bổng từ nguồn các mối quan hệ đối tác, nếu GV tự tìm được học bổng thì càng tốt, học bổng bán phần thì nhà trường hỗ trợ phân nửa.

Ở các trường đại học ngoài công lập (NCL) chính sách này rất được chú trọng. GS Đào Văn Lượng – hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (một trường NCL), nêu quan điểm: Trường mà lơ ngơ thì cán bộ bỏ đi ngay. Việc xây dựng đội ngũ là vấn đề cốt tử, liên quan đến sự hưng thịnh của nhà trường.

Một tổ chức mạnh phải có đội ngũ mạnh và cơ chế quản lý tốt. Thiết kế cơ chế quản lý nằm trong tầm tay của hiệu trưởng, nhưng xây dựng, đào tạo đội ngũ tại trường, rồi tuyển người ở ngoài vào… là cả một vấn đề. ThS. Nguyễn Trọng Tuấn – trưởng phòng Hành chính Tổng hợp ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: Đối với CBVC có trình độ TS ở nơi khác về, nếu cam kết công tác tại trường 8 năm trở lên thì được hỗ trợ 100 triệu đồng, CBVC của trường đi học lấy bằng TS cũng được như vậy.

1001 lý do để ra đi

Hiện nay, đến một số trường đại học NCL, không khó nhận ra GV này hay trưởng khoa kia trước đây công tác tại một trường đại học công lập. Nói về nguyên nhân thì mỗi người có một lý do riêng. Tuy nhiên cũng tập trung ở những nguyên nhân thường thấy: được thăng chức, lương cao hơn, có cơ hội phát triển hơn... Ngoại lệ còn có lý do - mà nói theo lời một cán bộ đã “ra đi tìm trường mới” là: muốn thay đổi không khí, môi trường làm việc và muốn thử sức mình ở một ngôi trường mới.

Ngoài việc các trường canh tranh chất xám với nhau còn có một “đối thủ” khác thu hút một lượng lớn chất xám từ các trường với những mức lương hấp dẫn, đó là các doanh nghiệp. ThS. Hoàng Đức Bình, trưởng phòng Truyền thông trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Theo quy định hiện nay, GV phải có trình độ thạc sĩ trở lên nên việc tuyển cho đủ và đạt yêu cầu quả là không dễ. Những người có trình độ như vậy lại không mặn mà với việc trở thành GV cơ hữu. Không ít người hội đủ những tiêu chí trở thành GV nhưng trường không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp - nơi có nhiều cơ hội hấp dẫn hơn”.

Mặc dù thu nhập của GV ở một số trường đại học NCL khá tốt nhưng so với thu nhập ở các doanh nghiệp thì vẫn rất… khiêm tốn, nhất là những người có trình độ trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, công nghệ. Chẳng hạn, ThS, TS dạy một giờ được trả thù lao khoảng trên dưới 100.000 đồng, nhưng nếu đi làm ở ngoài, một giờ có thể gấp nhiều lần như thế.

Để giữ chân GV, nhiều trường tìm cách điều tiết phúc lợi tăng thêm để nâng thu nhập, cử GV trẻ đi du học... Tuy nhiên, dù ưu đãi cỡ nào, các cơ sở giáo dục đại học vẫn không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp đang luôn mở rộng cửa (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thu hút người có trình độ với thu nhập cao, cơ hội thăng tiến nhiều.

Trước tình trạng thiếu GV, một số trường “chữa cháy” bằng các hợp đồng “bán cơ hữu”, nghĩa là người ký hợp đồng với nhà trường vẫn đang là GV cơ hữu ở một trường khác, việc đó chủ yếu để nhà trường mượn danh hợp lý hóa hồ sơ về nhân sự báo cáo về Bộ theo đúng quy định về định mức tỷ lệ số sinh viên/giảng viên!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật