Trung Quốc triển khai tuyến tuần tra mới trên Biển Đông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hải quân Trung Quốc đã thiết lập và triển khai tuyến tuần tra mới ở Biển Đông đi qua tất cả các bãi đá ngầm, bãi cạn và các đảo tranh chấp. Trong khi đó, Ngoại trưởng nước này tuyên bố Trung Quốc chưa cần vội vàng ký COC.
Trung Quốc triển khai tuyến tuần tra mới trên Biển Đông
Hoat động tuần tra mới của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc trên Biển Đông đang gây quan ngại lớn cho dư luận khu vực.

Theo thông tin do hãng Kyodo của Nhật Bản cung cấp, sau khi củng cố các đơn vị tiền tiêu của hải quân trên Biển Đông, Trung Quốc đã cho thiết lập và triển khai tuyến tuần tra giám sát mới đi qua toàn bộ các điểm tranh chấp, thậm chí cả những khu vực nằm trong phạm vi 85 hải lý của tỉnh Palawan, cực Tây Philippines.

Kyodo dẫn báo cáo mật của quân đội Philippines cho biết Hạm đội Nam hải của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là đơn vị chịu trách nhiệm thành lập tuyến tuần tra trên, động thái đã dẫn tới một số vụ xâm nhập gây căng thẳng cao độ trong khu vực.

Cũng theo báo cáo, tuyến tuần tra trải dài qua các quần đảo, bãi đá ngầm và bãi cạn tranh chấp trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là "đường đứt đoạn 9 khúc" đối với hầu hết, nếu không nói là toàn bộ Biển Đông.

“Toàn bộ các vỉa đá ngầm, bãi cạn và các hòn đảo, trong đó bãi đá ngầm Second Thomas, bãi Reed Bank và bãi Mischief đều nằm trong hoặc trên tuyến tuần tra (của Hải quân Trung Quốc)”, báo cáo có đoạn viết.

Ba bãi trên có tên Việt Nam lần lượt là Cỏ Mây, Cỏ Rong và Vành Khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền và gọi tên là Nhân Ái, Reed Bank và Tế Tiêu.

Báo cáo còn cho biết Trung Quốc đã củng cố bãi Vành Khăn thành tiền đồn hải quân có bãi đáp trực thăng; sân bêtông; các ụ súng đôi dành cho súng phòng không và súng máy; rađa; các thiết bị liên lạc bằng vệ tinh như chảo parabol, ăngten lưỡng cực; pin mặt trời, đèn pha và cả sân bóng rổ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cho xây đài quan sát cao 3 tầng tại đây.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã nâng cấp các cơ sở quân sự tại 7 điểm chiếm đóng khác. Các địa điểm này đều nằm dưới sự chỉ huy của Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Trung Quốc.

Cùng với thời điểm xuất hiện thông tin trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đưa ra một tuyên bố cứng rắn về vấn đề Biển Đông khi nói rằng Trung Quốc chưa cần vội vàng ký thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

"Trung Quốc tin rằng không nên vội vàng. Có một số nước hy vọng có thể đạt được nhất trí về COC một sớm một chiều và đây là những nước đang ôm ảo vọng phi thực tế... COC liên quan tới lợi ích của nhiều bên và những yếu tố cấu thành COC yêu cầu phải có khối lượng lớn công việc phối hợp (của các bên). Không quốc gia đơn lẻ nào có thể áp đặt ý chí của mình lên các nước khác", hãng Xinhua dẫn lời ông Vương Nghị nói.

Trước đó, phát biểu tại Bangkok, Thái Lan, ông Vương Nghị đưa ra đề xuất về 3 cách giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong đó vẫn duy trì quan điểm chỉ tiến hành đối thoại giữa các bên có liên quan tranh chấp trực tiếp và kêu gọi các bên cùng thăm dò và khai thác chung.

Tuyên bố của ông Vương Nghị đang làm dấy lên hoài nghi về kết quả của vòng đàm phán COC đầu tiên sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới. Vòng đàm phán này được dự kiến sẽ có sự tham gia của quan chức cấp cao 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật