Việt Nam xuất khẩu phân bón

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước đây, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều phân bón. Năm nay, lượng phân bón nhập khẩu giảm mạnh, trong khi lượng phân bón xuất khẩu lại đang gia tăng khá nhanh.

Thực ra, những năm trước đây đã có những thời điểm Việt Nam xuất khẩu phân bón. Nhưng đấy là những khi lượng phân bón trong nước đang bị tồn khá lớn vì nhập khẩu và sản xuất ra nhiều, mà nhu cầu lúc đó lại đang thấp. Vì thế, để giảm áp lực tồn kho cho các doanh nghiệp, Bộ Công thương đã cho phép xuất khẩu một lượng phân bón nhất định, nhưng hầu hết trong đó là phân bón đã được nhập khẩu về. Và lượng xuất khẩu ở những lần được cấp phép ấy cũng không nhiều. Ngoài ra, cũng có những loại phân bón sản xuất trong nước vẫn được xuất khẩu bình thường như phân bón hữu cơ, phân vi sinh… nhưng số lượng không đáng kể. Chính vì thế, trong những năm qua, trong danh mục xuất khẩu hàng hóa của Tổng cục Hải quan, phân bón không được ghi ra thành một danh mục riêng như hàng chục mặt hàng khác, mà được tính chung vào nhóm "hàng hóa khác”.
Hai tháng đầu năm nay, phân bón vẫn chưa có tên riêng trong danh mục hàng hóa xuất khẩu. Nhưng tới tháng 3, lần đầu tiên trong "Bảng phong thần” hàng hóa xuất khẩu của ngành Hải quan, phân bón đã đàng hoàng có tên, khi lượng phân bón xuất khẩu là trên 144 ngàn tấn, đạt giá trị 62,28 triệu USD. Sang tháng 4, trên 129 ngàn tấn phân bón được xuất khẩu, thu về 57 triệu USD. Tính ra, trong 4 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu 425 ngàn tấn phân bón, trị giá trên 188 triệu USD, tăng tới 112,2% về lượng và 173,4% về giá trị so với cùng kỳ 2011. Trong nửa đầu tháng 5 lại có thêm 60 ngàn tấn phân bón được xuất khẩu, trị giá trên 27 triệu USD. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm nay, lượng phân bón nhập khẩu là 848 ngàn tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, năm nay, xuất khẩu phân bón gia tăng mạnh là do nhiều loại phân bón chủ lực như ure, NPK… được sản xuất trong nước, không những đã đủ đáp ứng cho nhu cầu nội địa mà còn dư để xuất khẩu. Phân ure do Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy đạm Phú Mỹ sản xuất đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Phân NPK vốn đã được xuất khẩu từ mấy năm qua, năm nay lượng xuất khẩu lại càng tăng mạnh. Riêng Cty Bình Điền, năm nay đặt kế hoạch xuất khẩu 130 ngàn tấn NPK thương hiệu Đầu Trâu sang Lào và Campuchia, thì đến giờ đã xuất được trên 60 ngàn tấn. Phân DAP tuy vẫn phải nhập thêm từ nước ngoài, nhưng do đã được nhập về nhiều, cộng với sản lượng không nhỏ từ nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng), tính ra đang dư so với nhu cầu trong nước, nên nhà máy này cũng đã cho xuất khẩu DAP …
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay, trong năm nay, sản lượng nhiều loại phân bón chủ lực sẽ ở mức rất cao. Chẳng hạn, sản lượng NPK sẽ đạt trên 4 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng trên 3 triệu tấn. Sản lượng ure từ các nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc, cũng sẽ vượt xa so với nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn. Xuất khẩu phân bón năm nay cũng không cần phải có giấy phép như những năm trước. Do đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón ra nước ngoài.
Thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón cho thấy, phân bón Việt Nam đang có nhiều thị trường tiềm năng. Gần là các thị trường trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… Xa hơn nữa là Ấn Độ, châu Phi… Theo ông Lê Quốc Phong, xuất khẩu phân bón hiện đang theo 2 dạng: có thương hiệu và không có thương hiệu. Xuất khẩu có thương hiệu là phân bón được đóng bao, in nhãn mác đàng hoàng. Xuất theo dạng này, thị trường tuy có hẹp (hiện nay phân bón thương hiệu mới chỉ xuất sang Lào và Campuchia), nhưng giá bán cao hơn, lợi nhuận tốt hơn, và quan trọng nhất là doanh nghiệp sẽ giữ được thị trường ổn định. Còn xuất không thương hiệu tức là xuất theo dạng hàng rời, không bao bì, nhãn mác gì cả. Nhà nhập khẩu mua phân bón dạng này về đóng bao dưới nhãn mác nào đó của họ rồi tung ra thị trường. Vì thế, phân bón xuất khẩu không thương hiệu thường bị ép giá, dễ bị mất thị trường khi có nước khác chào giá bán thấp hơn đối với sản phẩm cùng loại. Do đó, khi buộc phải xuất khẩu phân bón theo dạng không thương hiệu, các doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhắm tới vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, gia tăng doanh số, còn lợi nhuận là không đáng kể.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật