Chiến lược dài hơi cho ngành da giày

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những khó khăn về vốn, giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng và đặc biệt là nỗi lo thiếu đơn hàng từ nay đến cuối năm đang khiến không ít DN ngành da giày thêm khốn đốn.
Chiến lược dài hơi cho ngành da giày
Ảnh minh họa

Quay đầu nào cũng khó

Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này phần lớn đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn những DN Việt Nam vẫn đang loay hoay với nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, chia sẻ: “Thông thường, đến thời điểm này các DN đã ký được đơn hàng đến cuối năm. Nhưng năm nay hầu hết mới có đơn hàng đến tháng 9. Không ít DN không có đơn hàng và đang phải dần thu hẹp sản xuất”.

Thực ra, tình trạng đơn hàng giảm sút đã diễn ra suốt từ đầu năm đến nay, và đã được cảnh báo trước từ năm 2011 do thị trường xuất khẩu chính của da giày Việt Nam là Hoa Kỳ và châu Âu đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, dẫn đến sức tiêu thụ giảm mạnh.

Cùng với áp lực đơn hàng, nhiều DN luôn trong tình trạng thiếu nhân công do thu nhập của người lao động còn quá thấp, khó cạnh tranh với các ngành nghề khác. Hiện nay các DN da giày Việt Nam chủ yếu làm gia công, giá gia công chiếm chỉ khoảng 5% toàn bộ giá trị của sản phẩm, trong khi chủ DN còn phải chi rất nhiều khoản nên mức thu nhập của lao động rất khó cải thiện.

Ngoài ra, do ngành chạy theo thời gian của hợp đồng nên thường phải tăng ca, thời gian làm việc không ổn định khó thu hút lao động.

Ông Nguyễn Hữu Luân, đại diện một DN da giày ở Bình Dương, phân trần: “Thời điểm này chúng tôi có rất ít đơn hàng nhưng cũng không dám cho công nhân nghỉ bớt vì lo khi có đơn hàng lại không có người làm. Và để giữ chân họ chúng tôi buộc phải tăng lương”.

Đa số DN da giày Việt Nam là những DNNVV nên không tránh khỏi khó khăn về vốn. Thống kê của Hiệp hội DN TPHCM cho thấy 60% DNNVV đang trong tình trạng không đủ vốn để duy trì sản xuất, chỉ khoảng 20% DN có cơ hội vượt qua thời kỳ khủng hoảng này.

Mặc dù đã có những chính sách giảm lãi suất cho vay từ Chính phủ, nhưng thực tế hiện nay các DN vẫn phải vay với lãi suất 18-19%/năm. Ngoài ra, vấn đề thiếu nguyên liệu cũng đang là rào cản đối với quá trình chuyển đổi sang sản xuất toàn diện của ngành da giày bởi hiện nay ngành này vẫn đang phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu.

Tìm đường thoát

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, cho biết đã có văn bản gửi Sở Công Thương, Hiệp hội DN TPHCM phản ánh tình hình khó khăn của các DN đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, hội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ xây dựng vùng nguyên phụ liệu giúp DN chủ động trong sản xuất kinh doanh, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tài trợ kinh phí cho các dự án giảm ô nhiễm môi trường; Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách ưu đãi về tài chính nhằm giúp các DN sản xuất có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh về giá cả đồng thời giữ vững được thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày và túi xách Việt Nam đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, ngành da giày phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 60-65% vào năm 2015. Ông Khánh cho rằng để ngành da giày Việt Nam có thể phát triển bền vững rất cần những chiến lược lâu dài. Thứ nhất, DN phải chủ động tìm kiếm những thị trường mới.

Hiệp hội Da giày Việt Nam đã nhiều lần khuyến cáo DN không nên quá tập trung vào thị trường EU mà phải chuyển hướng sang các thị trường mới. Tất nhiên, khi đến thị trường mới sẽ có những rào cản mới mà DN phải vượt qua chẳng hạn khi sang châu Phi DN phải thận trọng trong thanh toán, hay khi về châu Á lại lo cạnh tranh với người khổng lồ Trung Quốc. Thứ hai, cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

“Thị trường da giày nội địa với hơn 86 triệu dân là vô cùng lớn, nhưng nhiều DN chưa thực sự chú trọng. Việc DN đưa các lô hàng bị lỗi, tồn kho ra tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn còn nhiều. Do vậy thị trường nội địa bị hàng Trung Quốc cạnh tranh là đương nhiên. Mỗi DN nên dành một thị phần cho thị trường này, và có sự đầu tư đúng mức” - ông Khánh lưu ý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật