Chứng khoán Thiên Việt: Lỗ vì tham?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ Công ty chứng khoán Thiên Việt (TVS) sửa lỗi giao dịch 6,425 triệu cổ phiếu CII trong thời gian gần đây cho thấy điều gì?

Trước hết phải nói đây là vấn đề liên quan đến kỹ thuật giao dịch thỏa thuận cho nên khó có ai hiểu rõ chuyện hậu trường, trừ người trong cuộc. Nhưng có thể tạm chia ra 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu đúng như những gì mà bài đăng trên báo Đầu Tư Chứng Khoán (ĐTCK) ngày 18/5/2012 phân tích, thì không loại trừ khả năng Ban lãnh đạo TVS thực hiện giao dịch thỏa thuận đối với cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vì lợi ích cá nhân. Nghĩa là họ cố tình mua giá cao để giúp tổ chức hay cá nhân nào đó chốt lời, sau đó nhận hoa hồng. Nhận định này không phải không có cơ sở, bởi thống kê cho thấy giá cổ phiếu CII đã tăng hơn 100% từ mức dưới 20.000 đồng vào giai đoạn giữa tháng 1/2012 và giảm liên tục ngay sau khi có giao dịch mua vào này.

Kịch bản thứ hai, có thể khách hàng của TVS là nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phiếu CII nhưng lại chưa kịp mở tài khoản giao dịch. Vì vậy, TVS mua vào nhằm thực hiện gói ủy thác của khách hàng. Khả năng nhầm cũng có thể xảy ra trên lý thuyết. Tuy vậy, theo giới chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, lệnh giao dịch thỏa thuận này có giá trị gần 300 tỷ đồng, tương đương hơn 70% vốn điều lệ của TVS (400 tỷ đồng), nên việc nhầm là khá khó hiểu. Cũng theo phân tích của bài báo trên ĐTCK, với cơ chế thanh toán là T+3, TVS hoàn toàn có thể hủy lệnh giao dịch nếu chẳng may xảy ra sai sót. Tuy nhiên, TVS đã không làm như vậy vì "sợ ảnh hưởng đến thị trường do quy mô giao dịch lớn". Phải đợi đến khi chứng khoán đã về đến tài khoản thì công ty mới tiến hành sửa sai. Đây là sự khó hiểu thứ hai.

Theo giải thích của ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc TVS, cũng trên báo ĐTCK, thì đây là "sai sót trong quá trình giao dịch". Khách hàng tại TVS - AIT PTE Ltd - mua thỏa thuận số cổ phiếu CII nói trên, nhưng do nhầm lẫn nên thành giao dịch mua vào của công ty. Sau giao dịch này, AIT PTE Ltd sẽ nắm hơn 7,5 triệu cổ phiếu CII. Ông Giang cho biết, thông thường có hai cách giải quyết sự cố kiểu này. Một là hủy giao dịch. Hai là chuyển về tài khoản tự doanh rồi sau đó sửa lỗi bằng cách giao dịch trả lại số cổ phiếu nói trên cho khách hàng. Một chuyên gia chứng khoán (xin giấu tên) không đồng tình với cách làm thứ hai. Theo ông, chuyển vào tài khoản tự doanh sau đó chuyển cho khách hàng thì chẳng khác là chính TVS mua vào rồi bán lại. Mà đã bán vào thời điểm đó thì việc TVS phải cắn răng chấp nhận khoản lỗ 64 tỷ đồng là dễ hiểu. TVS có thể lý giải theo cách của họ, nhưng hậu quả lớn nhất là họ đã mất tiền từ giao dịch này.

TVS sẽ ghi nhận và giải trình thế nào với cổ đông của mình về khoản lỗ gần 70 tỷ đồng từ giao dịch này?

Vào ngày 10/5/2012, sau một ngày xảy ra giao dịch nói trên, theo dữ liệu được trang CafeF đăng tải, có 6,58 triệu cổ phiếu CII được giao dịch thỏa thuận với tổng trị giá 289,24 tỷ đồng. Nếu tính bình quân giá giao dịch thỏa thuận trong ngày hôm đó là 44.000 đồng/cổ phiếu, thì TVS bị lỗ chênh lệch thị giá với giá mua khoảng gần 70 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2011, tổng tài sản của TVS là 548,8 tỷ đồng và lượng tiền mặt là 182,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu kết quả kinh doanh của TVS không có đột biến trong Quý 1/2012 thì giá trị của giao dịch cổ phiếu CII nói trên trên tương đương 51,5% tổng tài sản TVS, và công ty cần thêm khoảng 100 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Điều này có nghĩa là đã phải có sự chuẩn bị trước và có ai đó đã chuyển cho TVS thêm 100 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này. Tuy nhiên, vẫn không thể kết luận được vì không có số liệu tài chính tới hết Quý 1 của TVS.

Cũng cần đặt ra 2 câu hỏi tiếp theo là AIT Pte Ltd là ai? Động cơ của việc mua bán này là gì? TVS sẽ ghi nhận và giải trình thế nào với cổ đông của mình về khoản lỗ gần 70 tỷ đồng từ giao dịch này? Lỗ thủng về quản trị rủi ro xuất hiện từ giao dịch trên sẽ được TVS "vá" như thế nào trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán cũng đối mặt với thách thức tương tự và đã phải phá sản thời gian qua. Phải chăng đây là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nghề nghiệp và khả năng quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán hiện nay?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật