Sửa quy định về xử lý đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa
Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, bổ sung Điều 4a quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.
Cụ thể, việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định cũng quy định không chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký sẽ bị phạt tiền 03 - 05 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là mức phạt cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi có thay đổi.
Với hành vi vi phạm về chứng thực hợp đồng, giao dịch, khoản 32 Điều 1 Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại bản chinh giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu tang vật.
Trong khi đó, quy định cũ tại điểm b khoản 5 Điều 35 Nghị định 82/2020/NĐ-CP chỉ quy định kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
Chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2024, quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cung cấp thông tin về pháp lý, kinh tế; khảo sát và nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn và hoạt động xúc tiến thương mại của bộ, ngành, địa phương tổ chức trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí xây dựng chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;
Hỗ trợ kinh phí áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hợp đồng liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương.
Điều kiện thành lập hội
Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP, việc thành lập hội từ ngày 26/11/2024 phải đảm bảo các điều kiện:
Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện: viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của Pháp Luật; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định Pháp Luật. Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này. Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác, như hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.
Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội (trong đó dự kiến trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên) theo quy định và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội.