Sản phẩm thủy sản Việt Nam giữ nguyên sức hút trên thị trường quốc tế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận những kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng vượt bậc, góp phần vào sự phát triển bền vững các trụ cột kinh tế của cả nước…
Sản phẩm thủy sản Việt Nam giữ nguyên sức hút trên thị trường quốc tế
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cuối năm 2024 có nhiều triển vọng phát triển

Báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, quý 3/2024 có sự bứt phá ấn tượng trong xuất khẩu thủy sản với doanh thu 2,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt 7,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 3, hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là Mỹ và Trung Quốc. Đây là hai thị trường đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở về quỹ đạo tăng trưởng. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 19,5%, đạt 551 triệu USD, trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong tăng 35,6%, đạt 571 triệu USD.

Kết quả đạt được cho thấy nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng trở lại, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra.

Trong 9 tháng năm 2024, các sản phẩm tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. XK tôm sang các thị trường chính (Mỹ, EU, Trung Quốc…) đều ghi nhận tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh 29%, trong đó tôm chân trắng và tôm hùm là 2 loài có tăng trưởng ấn tượng. Tiêu thụ thủy sản tươi sống cho ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch ở Trung Quốc vẫn là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này vì chúng ta có lợi thế về mặt địa lý và thị hiếu dùng.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra, tháng 9 đạt 172 triệu USD, tăng 3% so với tháng 9/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến hết quý 3 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cua ghẹ trong quý 3 tăng 59%, đạt 228 triệu USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu sản phẩm cua sống sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Các loài nhuyễn thể có vỏ 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 147 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu nghêu chiếm 50% với 73 triệu USD, tăng 19%. Ngoài ra, xuất khẩu hàu, điệp, ốc năm nay đều tăng trưởng tốt.

Xuất khẩu cá ngừ có biến động khi sau một khởi đầu khả quan với mức tăng 23% trong nửa đầu năm, nhưng sang quý 3, mức tăng chỉ còn 9%. Đặc biệt, trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cá ngừ rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm do quy định mới về kích thước tối thiểu khiến ngư dân gặp khó khăn trong việc khai thác.

Đánh giá về triển vọng của hoạt động xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2024, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định, kết quả xuất khẩu quý 4 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kết quả thanh tra IUU từ EU và quyết định về thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

“Nếu không có biến động lớn và những khó khăn như thẻ vàng IUU không dẫn đến kịch bản tiêu cực, tôi tin rằng xuất khẩu thủy sản có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực. Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023”, bà Lê Hằng dự báo.

Trong thời gian tới, bên cạnh thuận lợi từ những tiềm năng nguồn nguyên liệu vốn có, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít khó khăn như ngoài những thách thức về thuế và quy định từ các thị trường lớn, ngành thủy sản còn phải đối mặt với biến động về khí hậu và môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu.

Chuyên gia từ VASEP cũng đánh giá mức độ cạnh tranh từ các nước khác trong khu vực cũng đang ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật