Kỳ vọng tăng trưởng xuất, nhập khẩu khả quan
Sau kết quả tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm tích cực, nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 so với trước đó. Đơn cử, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1% (tăng từ mức 5,5% trong dự báo trước đó); HSBC dự báo tăng 6,5% (từ mức 6%)… đồng thời nhận định các mức tăng trưởng dự kiến của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là ngay cả sau khi đã điều chỉnh tăng như trên, các con số dự báo này vẫn chỉ nằm trong ngưỡng mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% chúng ta đặt ra cho năm nay.
Bên cạnh nhiều dữ liệu ở phân khúc nội địa (cả tiêu dùng và đầu tư, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân) cho thấy mức độ phục hồi đến nay vẫn chưa trở lại so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, thì lý do chính được các chuyên gia đưa ra là vì hoạt động ngoại thương (xuất, nhập khẩu) của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2024. “Sau khi đã phục hồi rất mạnh trong nửa đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, do nhu cầu trên toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ, dự kiến sẽ chậm lại”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam nhận định. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, dù thương mại xuất, nhập khẩu vẫn đóng vai trò tích cực nhưng quy mô, mức độ sẽ giảm xuống, không còn được như nửa đầu năm, do đó sẽ kéo tăng trưởng chung giảm xuống.
Tuy nhiên thực tế đến nay (số liệu kinh tế các tháng 7 và tháng 8) cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu cơ bản vẫn giữ được đà tăng tích cực. Đáng chú ý, xuất khẩu tháng 8 tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Cùng với đó, khu vực công nghiệp vẫn cho thấy sự phục hồi tốt; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá. Tình hình tài chính - ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện; Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Tăng trưởng cả năm có thể ở mức 6,8 - 7%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với những kết quả đạt được cho đến nay, dự kiến cả năm sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Trong đó về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, ước thực hiện cả năm đạt 6,8%, vượt mục tiêu đề ra. Riêng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 4.647 USD (xấp xỉ đạt mục tiêu 4.700-4.730 USD đề ra). Đây là nguyên nhân khách quan khi đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên những tháng cuối năm, trong trường hợp Fed giảm lãi suất, tỷ giá trong nước ổn định và giảm dần phù hợp với diễn biến thị trường, cùng với đó tăng trưởng GDP đạt cao hơn 7% thì chỉ tiêu này vẫn có thể sẽ đạt được, qua đó hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, như: các yếu tố tác động bên ngoài sẽ khiến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khó khăn hơn; Các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét; Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (8 tháng mới đạt 40,49% kế hoạch); Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao… Ngoài ra, chỉ riêng 7 tháng vừa qua, thiệt hại do thiên tai, bão lũ ước tính đã vào khoảng 2.122,9 tỷ đồng (gấp hơn 2,3 lần cùng kỳ năm 2023). Bão Yagi vừa quét qua và tình trạng lũ lụt hiện nay ở các tỉnh miền Bắc không chỉ trực tiếp gây ra những thiệt hại lớn tới sức khỏe và tính mạng người dân, tới việc làm, hoạt động sản xuất, giá cả và hệ thống cơ sở hạ tầng mà còn là lời nhắc nhở về những tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trên cơ sở kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực 8 tháng qua, cần phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024, trong đó tiếp tục ưu tiên và phấn đấu tăng trưởng năm 2024 cao hơn; đồng thời tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần phát huy hiệu quả hơn nữa các động lực truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời khai thác tốt hơn các động lực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...), kết hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa cũng như tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.