Tin liên quan
Phát biểu họp báo khi đang có chuyến thăm Haiti, Ngoại trưởng Blinken cho biết dựa trên những thông tin mà ông nhận được, khoảng 90% thỏa thuận đã được thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần giải quyết, trong đó có hành lang Philadelphi - khu vực nằm ở rìa phía Nam của Dải Gaza, giáp biên giới Ai Cập. Ông Blinken cũng thừa nhận hai bên vẫn còn bất đồng về cách thức trao đổi con tin Israel và tù nhân Palestine.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trách nhiệm của cả hai bên trong việc hoàn tất các vấn đề còn lại, đồng thời cảnh báo rằng sự trì hoãn có thể dẫn đến những diễn biến không mong muốn làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán. Ông cũng cho biết trong những ngày tới, Mỹ sẽ tiếp tục đề xuất thêm những ý tưởng thông qua các bên trung gian là Ai Cập và Qatar với hy vọng một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được. Ngoại trưởng Blinken cũng không loại trừ khả năng Israel và Hamas đạt được thỏa thuận trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2025.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày khẳng định nước này chưa sẵn sàng đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục gây áp lực lên lực lượng Hồi giáo ở Palestine này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ông Netanyahu đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn với Fox News. Khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Thủ tướng Israel thẳng thắn đáp: "Thật không may là chưa".
Trước đó một ngày, ông Netanyahu đã nêu rõ lập trường về điều kiện đạt được ngừng bắn lâu dài tại Gaza. Theo đó, các bên liên quan phải đảm bảo Hành lang Philadelphi không trở thành con đường tiếp tế cho Hamas.
Trước tình hình trên, Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Ahmed Aboul Gheit cùng ngày cho rằng Thủ tướng Israel Netanyahu đang cản trở thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, Tổng thư ký AL bác bỏ cáo buộc của ông Netanyahu về việc Ai Cập không ngăn chặn buôn lậu vũ khí vào Gaza, đồng thời cảnh báo các hành động gần đây của Israel có thể làm suy yếu vai trò quan trọng của Ai Cập trong khu vực. Các quốc gia Arập ủng hộ lập trường của Cairo phản đối sự hiện diện của lực lượng Israel tại Hành lang Philadelphi. Tổng thư ký AL kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Israel đồng ý ngừng bắn, nhấn mạnh sự cần thiết ngăn chặn leo thang xung đột trong khu vực.
Trong khi đó, Hamas cũng khẳng định rằng cần phải gây sức ép để Israel chấp nhận đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đưa ra mà phong trào này đã nhất trí vào hồi tháng 7.
Hành lang Philadelphi, hay còn gọi là trục Salah Al Din, được xác định là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Ai Cập đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi và yêu cầu trở lại nguyên trạng như trước thời điểm bùng phát xung đột ở Gaza hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cân nhắc việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Israel ở khu vực này. Trước đó, ngày 3/9, Mỹ tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc rút hoàn toàn lực lượng Israel khỏi Hành lang Philadelphi. Điều này cho thấy Mỹ và Israel đang có sự khác biệt về lập trường trong vấn đề này.