Tin liên quan
Đó là hy vọng của các nhà lãnh đạo khu vực có mặt tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Jeddah. Địa điểm diễn ra nỗ lực nhằm hạ hỏa cơn thịnh nộ sôi sục của Iran là trụ sở của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), nằm bên bờ Biển Đỏ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Cameroon ngồi bên phải quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri, bên trái là ngoại trưởng Yemen, trong căn phòng đầy các bộ trưởng ngoại giao từ các quốc gia Hồi giáo. Tất cả đến đó với nỗ lực ngăn chặn tình hình leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Hội nghị diễn ra hôm 7/8, khi thế giới đang trong trạng thái cực kỳ căng thẳng. Các chuyến bay qua Iran và các nước láng giềng đã bị hủy do lo ngại tên lửa có thể bay đến bất cứ lúc nào, gây ra sự leo thang đáng sợ trong cuộc xung đột của Israel ở Dải Gaza.
"Bước đầu tiên để ngăn chặn sự leo thang là chấm dứt nguyên nhân gốc rễ của nó, đó là việc Israel tấn công liên tục vào Dải Gaza", Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói với CNN.
Nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mềm mỏng hơn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Hamas không phải là mới. Nhưng "phần thưởng" này có thể hấp dẫn hơn nhiều so với những nỗ lực trước đây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington và các đồng minh đã trao đổi trực tiếp với cả Israel và Iran rằng "không ai được phép leo thang cuộc xung đột này", cảnh báo tiến trình đàm phán ngừng bắn đã bước vào "giai đoạn cuối" và có thể bị đe dọa nếu tình hình leo thang hơn nữa.
Sau khi lãnh đạo chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran tuần trước, các nhà lãnh đạo Iran thề sẽ trả thù Israel.
Sau khi đến Tehran vào cuối tuần qua để gặp người đồng cấp Bagheri và tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, ông Safadi dường như tin rằng Iran cũng muốn tránh leo thang.
Iran cần lý do ngoại giao để từ bỏ lời đe dọa trả thù Israel sau vụ ám sát ông Haniyeh. Nếu đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, Tehran có thể khẳng định lý do để họ xuống thang là vì họ quan tâm đến tính mạng của người dân Palestine hơn là việc trả thù. Tuy nhiên, "phần thưởng" phải đủ lớn đối với Iran vì danh dự và sức mạnh răn đe của Tehran đang bị đe dọa.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emanuel Macron cũng nỗ lực gia tăng thêm ảnh hưởng ngoại giao của mình. Ông tuyên bố trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Pezeshkian ngày 7/8, rằng Tehran "phải từ bỏ hành động trả thù Israel".
Phản ứng của Tổng thống Pezeshkian cho thấy ông đang lắng nghe.
“Nếu Mỹ và các nước phương Tây thực sự muốn ngăn chặn chiến tranh và bất ổn trong khu vực, để chứng minh cho tuyên bố này, phải ngay lập tức ngừng bán vũ khí và hỗ trợ Israel, buộc chế độ này phải chấm dứt nạn diệt chủng và các cuộc tấn công vào Dải Gaza, đồng thời chấp nhận lệnh ngừng bắn”, ông Pezeshkian tuyên bố.
Hezbollah có thể hành động một mình
Để có thể chấm dứt những chuỗi hành động quân sự leo thang, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải có thiện chí.
Hamas dường như khiến điều này trở nên khó khăn hơn bằng cách bổ nhiệm ông Yahya Sinwar làm lãnh đạo chính trị mới, thay thế ông Haniyeh. Ông Sinwar được cho là người đạo diễn vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, châm ngòi cho cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Theo đồng thuận tại OIC, sự thay đổi nếu có xảy ra phải đến từ bên ngoài, từ người duy nhất có thể kiềm chế ông Netanyahu - Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nhưng gần 1 năm sau cuộc xung đột, ông Biden vẫn từ chối đối đầu với chính phủ cánh hữu cứng rắn nhất trong lịch sử của Israel, làm tăng thêm sự thất vọng ở Jeddah.
Ông Riyad Mansour, Quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên Hợp Quốc, nói trong phòng họp: "Khu vực này không cần leo thang. Những gì khu vực này cần là lệnh ngừng bắn. Tôi có cảm giác rằng Thủ tướng Netanyahu muốn kéo Tổng thống Biden vào một cuộc chiến với Iran".
Điều mà ông Bagheri nhận được ở Jeddah là sự ủng hộ ngoại giao để thuyết phục các bên xuống thang.
Khi quyền ngoại trưởng Iran rời đi sau cuộc họp khẩn kéo dài bốn giờ, trọng tâm của hội nghị chuyển hướng sang lực lượng Hezbollah ở Li-băng. Phong trào này cũng có ý định trả đũa vụ ám sát chỉ huy quân sự hàng đầu của họ là ông Fu’ad Shukr tại Beirut, vài giờ trước khi ông Haniyeh bị ám sát.
Một quan chức Mỹ và một quan chức tình báo phương Tây nói với CNN rằng khả năng Hezbollah sẽ trả thù cao hơn Iran, làm dấy lên lo ngại lực lượng này có thể hành động một mình mà không cần Tehran.
Đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, Iran và Hezbollah là "hai bàn tay của cùng một người".
Ngoại trừ cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào Israel hồi tháng 4, Hezbollah luôn giáng những đòn mạnh vào Israel mà Iran ngần ngại. Lần này, Hezbollah có thể giáng một đòn kép vào Israel để trả thù cho cả hai ông Shukr và Haniyeh.
Nếu điều đó xảy ra, việc Israel trả đũa Hezbollah có thể nhanh chóng biến thành sự leo thang khu vực mà Iran cũng bị cuốn vào.