Trước bối cảnh ca mắc sởi tăng nhanh và có 3 trẻ tử vong do sởi, TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi ngày 27-8. Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.
Nhiều cha mẹ lơ là tiêm ngừa cho con
Chị HTTK (35 tuổi, ngụ quận 11) đưa con gái 2 tuổi đến Trạm Y tế phường 3, quận 11 để tiêm ngừa sởi. Chị cho biết gần đây địa phương tăng cường tuyên truyền tiêm ngừa sởi cũng như cách phòng ngừa dịch bệnh nên chị xin nghỉ làm đưa con đi tiêm.
“Đến trạm y tế, chúng tôi được tư vấn cách phát hiện sớm dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh sởi. tiêm cho con đủ mũi vaccine rồi tôi cũng yên tâm” - chị K nói.
Phụ huynh đưa trẻ đến Trạm y tế phường 3, quận 11 tiêm ngừa sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Bà LTM (58 tuổi, ngụ quận 11) đang ngồi chờ nhân viên Trạm Y tế phường 3 hướng dẫn thủ tục tiêm vaccine ngừa sởi cho cháu trai. Bà M chia sẻ do cha mẹ cháu bận nên bà đưa cháu gần 3 tuổi đi tiêm.
"Tôi mới ở quê lên, không biết tình hình cháu đã tiêm những gì, bao nhiêu mũi, có dị ứng không. Bởi vậy nên khi nhân viên trạm y tế hỏi tôi đều không rõ, giờ chắc phải về hỏi lại ba mẹ cháu rồi đưa đến tiêm sau" - bà M phân bua.
Ngành y tế khuyến cáo tiêm vaccine đủ mũi sẽ bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Đại diện Trạm y tế phường 3, quận 11, cho biết khi nhận được hướng dẫn của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về tăng cường tiêm vaccine ngừa sởi trên địa bàn TP, nhân viên trạm và cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đã đến từng khu phố lập danh sách trẻ để tiêm bổ sung, tiêm bù.
Bên cạnh các gia đình đưa trẻ đến tiêm đúng lịch cũng có một số người anti vaccine. Cho dù trạm y tế đã xuống tận nhà để tư vấn họ đưa trẻ đi tiêm nhưng vẫn bị từ chối, gây khó cho việc bao phủ vaccine sởi trên địa bàn.
Ngoài ra cũng có trường hợp cha mẹ ít quan tâm đến lịch tiêm ngừa của trẻ, dẫn đến trẻ không được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. “Hy vọng các phụ huynh quan tâm đến việc tiêm chủng của trẻ nhiều hơn, đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi để bảo vệ con em mình trước dịch bệnh sởi ở TP.HCM” - đại diện trạm y tế nói.
Khoa nhiễm - Thần Kinh bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị 49 ca sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Số ca mắc sởi tăng cao từ tháng 5
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo từ trước, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm một lần. Trước đây, nước ta ghi nhận 2 đợt dịch sởi vào năm 2014 và 2019. Riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong do sởi.
Theo báo cáo mới nhất của HCDC, tính từ 19-8 đến 25-8-2024 đã ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi tại TP.HCM, trong đó 20 ca dương tính, 44 ca không lấy mẫu, 17 ca chưa có kết quả và 4 ca âm tính với sởi.
ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cho biết đầu năm 2024 không ghi nhận ca sởi ở TP.HCM dương tính. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 5, số ca sởi có xu hướng tăng nhanh. Tính đến cuối tháng 8, TP ghi nhận 525 ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy.
Đáng nói, từ năm 2021-2023 chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca bệnh sởi ở TP.HCM.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Tại bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh, cho biết khoa đang điều trị 49 ca sởi. Đáng chú ý, 100% bệnh nhi chưa tiêm vaccine.
Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TS.BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết tính đến 28-8, nơi đây đang tiếp nhận điều trị 27 ca sởi, trong đó 16 ca ở tỉnh, 11 ca ở TP. Trong số đó, 5 trẻ tiêm đủ vaccine, 22 trẻ chỉ tiêm 1 mũi. May mắn không có ca biến chứng nặng phải thở ôxy hay thở máy.
Sởi quay lại do khoảng trống miễn dịch
Lý giải nguyên nhân dịch sởi quay lại sau thời gian dài vắng bóng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trung bình một ca sởi sẽ lây cho 12-18 người khác. Mức độ lây lan của bệnh sởi dữ dội hơn COVID-19.
Sởi đã có vaccine phòng ngừa, một thời gian dài gần như không có ca sởi ở TP.HCM. Tuy nhiên, vừa qua TP bị đứt gãy nguồn cung ứng vaccine do đại dịch và sau đại dịch, dẫn đến khoảng trống miễn dịch nên sởi ở TP.HCM bắt đầu xuất hiện và tăng cao.
Còn theo bác sĩ Tiến, một số trẻ sinh ra vào đợt dịch COVID-19 không tiêm ngừa sởi, miễn dịch không có. Sau dịch, một số phụ huynh bận nên quên đưa con đi tiêm ngừa, hay những trẻ có bệnh nền nên phụ huynh không đưa con đi tiêm... Từ đó dẫn đến tỉ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng còn thấp.
"Nguyên tắc 95% dân số tiêm vaccine mới bảo vệ được cộng đồng" - bác sĩ Tiến thông tin.
Nhóm bệnh sởi có dấu hiệu, diễn tiến không điển hình tăng lên. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Ngoài ra, gần đây nhóm bệnh sởi có diễn tiến không điển hình tăng lên so với nhóm điển hình. Dấu hiệu điển hình của sởi là sốt cao, ho, viêm lông, nổi ghèn, phát ban sau tai rồi đến mặt, tứ chi, toàn thân. Còn dạng không điển hình là sốt không cao, nổi ban ở mặt, thân mình, thậm chí ở tứ chi trước nên dễ bị nhầm lẫn với sốt phát ban do siêu vi khác.
“Khi nhập viện, vì dấu hiệu không điển hình nên bác sĩ dễ nhầm lẫn và không cách ly, dễ lây trong bệnh viện, hoặc người nhà khó phát hiện dẫn đến dễ lây trong cộng đồng. Vì vậy hiện nay trẻ có dấu hiệu sốt phát ban cần nghĩ ngay đến sởi, chẩn đoán đúng và cách ly ngay tránh lây lan” - bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Trước tình hình TP vừa công bố dịch sởi, bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tăng cường thu dung, điều trị bệnh nhân; tổ chức phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện; chuẩn bị sẵn sàng thuốc điều trị sởi, phương tiện hỗ trợ hô hấp, thuốc truyền cho trường hợp có tiếp xúc với sởi mà không thể tiêm ngừa vaccine.
Cạnh đó, bệnh viện cũng chuẩn bị vaccine tiêm ngừa cho bệnh nhi xuất viện, người nuôi trẻ và nhân viên y tế; sẵn sàng vitamin A trong điều trị.