Mọi chuyện bắt đầu khi xe tự hành Curiosity của NASA đụng phải một hòn đá trên sao Hỏa ngày 30/5 vừa qua và làm nó nứt ra, để lộ những tinh thể màu xanh lục vàng chưa từng được phát hiện trước đây trên hành tinh đỏ.
Ngày 20/7, Ashwin Vasavada, nhà khoa học dự án Curiosity tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết: "Tôi nghĩ đây là phát hiện kỳ lạ và bất ngờ nhất trong toàn bộ sứ mệnh của Curiosity. Sau khi sử dụng các thiết bị của Curiosity để phân tích và nhận được dữ liệu cho thấy đó là lưu huỳnh nguyên chất, chúng tôi đã rất sửng sốt. Tôi phải nói rằng, có rất nhiều may mắn ở đây. Không phải tảng đá nào cũng ẩn chứa điều thú vị bên trong".
Lưu huỳnh là một trong 6 nguyên tố NCHOPS, tạo nên cấu trúc cơ bản của các chất hữu cơ trong tự nhiên trên Trái đất. Từ lâu, các nhà thiên văn học đã không ngừng đi tìm chúng trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.
Xe tự hành Curiosity đã chụp được hình ảnh cận cảnh một tảng đá có biệt danh là “Hồ Tuyết” vào ngày 8/6, có bề ngoài tương tự như tảng đá bị tàu thám hiểm nghiền nát có chứa nguyên tố lưu huỳnh (Ảnh: NASA)
Nhóm nghiên cứu của Curiosity rất háo hức cho tàu thám hiểm điều tra kênh Gediz Vallis, một rãnh quanh co dường như được tạo ra cách đây 3 tỷ năm bởi sự kết hợp giữa dòng nước chảy và mảnh vụn. Kênh được được khoét sâu vào sườn dốc của núi Sharp cao 5 km.
Vào sáng 30/5, Vasavada và nhóm nghiên cứu của ông nhận được bức ảnh do Curiosity gửi về và nhìn thấy một tảng đá dăm nằm giữa vết bánh xe của tàu thám hiểm. Ông nói, một bức ảnh chụp gần hơn về tảng đá đã cho thấy rõ phát hiện "đáng kinh ngạc".
Một số khám phá của Curiosity, chẳng hạn như những hồ nước tồn tại hàng triệu năm và sự hiện diện của vật liệu hữu cơ, đã đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu sứ mệnh cuối cùng của tàu thăm dò: cố gắng xác định xem sao Hỏa có thể cung cấp điều kiện môi trường thuận lợi cho cuộc sống của vi sinh vật hay không.