Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, người bệnh là M.T.B., 18 tuổi, ngụ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Trước khi có xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu, B. có tiếp xúc gần với một người qua đời do căn bệnh này ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Trước đó, M.T.B. và M.T.S., cùng 18 tuổi, về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT, có ở cùng phòng với một người mắc bệnh bạch hầu. Khi quay lại Bắc Giang, nữ sinh B. và S. có biểu hiện đau họng, cùng lúc đó biết được bạn cùng phòng đã mất vì bạch hầu nên cả hai tự mua thuốc kháng sinh uống.
Sau đó, em B. được xét nghiệm và có kết quả dương tính với bạch hầu. Nữ sinh cũng được chuyển đến bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị vì bệnh viện tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống dịch. Cụ thể, Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa cần cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, đơn vị cần tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.
Những người tiếp xúc gần với ca bệnh cần được điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày, theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang chuẩn bị đầy đủ khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra. Ngoài ra, bệnh viện tăng cường giám sát các trường hợp về từ vùng có dịch, để phát hiện sớm các ca nhiễm/nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm.
Các đơn vị khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm, hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine BHHG-UV-VGB- Hib và DPT4. Từ đó, các đơn vị tổ chức tiêm bù, tiêm vét vào các buổi tiêm chủng thường xuyên.