Ngày 11/5, Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cho biết, lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn bất thường đang tàn phá các tỉnh miền Bắc Afghanistan.
Theo WFP, đợt thiên tai đã khiến hơn 300 người ở tỉnh Baghlan thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy. Các nhân viên WFP hiện đang phân phối thực phẩm cứu trợ khẩn cấp cho những vùng bị ảnh hưởng.
Cùng ngày, thông cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Afghanistan nói, các tỉnh Badakhshan, Ghor, Baghlan và Herat ở Afghanistan đang hứng chịu những hậu quả nặng nề do lũ lụt.
Cơ quan quản lý thảm họa Taliban của Afghanistan, do Phó Thủ tướng Mullah Beradar Akhund phụ trách, họp thảo luận về cứu trợ khẩn cấp. Nguồn: thekabultimes.
IOM cho biết, số người thiệt mạng do lũ lụt ở Afghanistan đã vượt quá con số 300 với hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy; cho biết, số người chết sẽ còn tăng cao.
IOM, đang vận hành 16 kho dự trữ thực phẩm ở Afghanistan, cho biết, đang phối hợp với các đối tác đánh giá thiệt hại và cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người dân vùng thiên tai.
Ngày 12/5, chính quyền Taliban ở Afghanistan xác nhận, mưa lũ nghiêm trọng ở miền Bắc nước này đã khiến 315 người thiệt mạng, hơn 1.600 người khác bị thương, hạ tầng giao thông và một lượng lớn gia súc gia cầm bị cuốn trôi. Taliban cảnh báo số người thiệt mạng do đợt thiên tai sẽ còn tăng.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng kinh tế của Taliban Din Mohammad Hanif đã kêu gọi LHQ, các cơ quan nhân đạo và doanh nghiệp hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Quang cảnh một khu dân cư ở tỉnh Baghlan, Afghanistan sau trận lũ lụt, ngày 11/5. Ảnh: Mehrab Ibrahimi/AP.
Trước đó, ngày 11/5, người phát ngôn chính quyền Taliban, Zabihullah Mujahid, thừa nhận “thiệt hại nặng nề” về người và cơ sở vật chất do lũ lụt.
Ông Mujahid cho biết, Taliban đã giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ, Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia và các quan chức địa phương sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để giải cứu những người mắc kẹt và điều trị y tế cho những người bị thương.
Không quân Taliban huy động trực thăng trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Nguồn: alemarahenglish.af
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), cơ quan đang triển khai ứng phó khẩn cấp với đợt lũ lụt kéo dài khắp 7 tỉnh ở Afghanistan, cho biết, hàng nghìn người đã bị mắc kẹt do cầu đường bị phá hủy mà không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
“Đợt lũ lụt mới nhất đã gây ra tình trạng khẩn cấp nhân đạo nghiêm trọng ở Afghanistan, quốc gia vẫn đang vật lộn sau hàng loạt trận động đất liên tục thời gian qua, cũng như những đợt lũ lụt nghiêm trọng vào tháng 3 và đầu tháng 4.”, Giám đốc IRC Afghanistan, bà Salma Ben Aissa, cho biết.
Hệ thống giao thông Afghanistan bị phá hủy sau đợt mưa lũ. Nguồn: IOM.
Nhân viên IOM khảo sát hậu quả lũ lụt ở Afghanistan. Nguồn: IOM.
Hơn một nửa trong số 600.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Afghanistan là trẻ em, theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) nói, cho biết, tổ chức này đang huy động một phòng khám di động với các đội y tế và bảo vệ trẻ em di động để hỗ trợ trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng.
Trước đó, từ 10-16/4, đợt mưa lớn gây lũ lụt ở 32/34 tỉnh của Afghanis tan, khiến hơn 100 người thiệt mạng, gần 1.000 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 60.000 mẫu đất nông nghiệp đã bị lở, trôi.
Hạ tầng giao thông bị hư hại đã gây khó khăn cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả.
Lũ quét cũng cuốn trôi hàng chục người ở Afghanistan vào tháng 7 năm ngoái. Tiếp theo, trận động đất mạnh 6,3 độ richter ngày 7/10/2023 ở phía tây đất nước đã khiến hơn 2.500 người thiệt mạng.
Quang cảnh tiêu điều một khu dân cư ở miền Bắc Afghanistan sau trận lũ. Nguồn: IOM.
Người đàn ông Afghanistan dọn bùn khỏi nhà sau đợt lũ. Ảnh: Atif Aryan/AFP/Getty.
Trước đó, trận động đất vào rạng sáng ngày 22/6/2022 ở miền đông Afghanistan đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, hơn 1.500 người khác bị thương.
Theo IRC, Afghanistan nằm trong danh sách theo dõi khẩn cấp năm nay của tổ chức này, nơi đang có khoảng 23,7 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số, đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan phần lớn bắt nguồn từ sự suy thoái của nền kinh tế nước này sau sự thay đổi chính phủ vào tháng 8/2021, với sự trở lại nắm quyền của Taliban. Những cú sốc về khí hậu, bao gồm lũ lụt và động đất gần đây, càng làm trầm trọng thêm những thách thức của nước này.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi lũ lụt hiện đang hoành hành trên diện rộng ở Brazil, Kenya, thì hạn hán khốc liệt đang xảy ra ở Philippines và cháy rừng ở Alberta, Canada, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.