Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ “chảy ngược dòng” với thế giới
Hầu như các tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín trên thế giới đều tỏ ra bi quan trước triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Trong đó, Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đồng thuận, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023.
Đơn cử, trong báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024, UN nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024.
“Mặc dù kinh tế thế giới tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái kinh tế vào năm 2023, nhưng có nguy cơ đối mặt với thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài” - báo cáo của UN nêu.
Riêng trong khu vực ASEAN, báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 đã đưa ra dự báo, năm 2024, GDP của ASEAN sẽ tăng trưởng 4,5%. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia có thể vượt qua mức trung bình này, “điểm sáng” là Philippines, Campuchia và Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với sự bi quan đối với nền kinh tế toàn cầu, các tổ chức nghiên cứu quốc tế lại tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong quý I/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5,66%, cao hơn khá nhiều so với Thái Lan (tăng 2,8%), Singapore (tăng 1.1%), Indonesia (tăng 4,4%), Malaysia (tăng 2,6%), thấp hơn đôi chút so với Philippines (tăng 5,9%).
Với kết quả đạt được trong quý I/2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, trong năm 2024, GDP Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng 6% và tăng lên 6,2% vào năm 2025.
Tương tự, UN và Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 cũng đưa ra dự báo GDP Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng 6% vào cuối năm nay. Riêng WB có dự báo thấp hơn một chút, năm 2024 có thể ghi nhận mức tăng 5,5% và tăng lên 6% vào năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mức tăng 5,66% trong quý I/2024 chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 nhưng mức tăng trưởng này đã là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.
Theo kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6% - 6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao.
“Trước bối cảnh của kinh tế trong nước và thế giới, con số tăng trưởng 5,66% là một bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam” - bà Hương cho biết.
Đâu là động lực tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Trong quý I/2024, các ngành công nghiệp, xây dựng, du lịch, nông nghiệp xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam còn nhận được nhiều xung lực khác, có thể tạo ra bệ đỡ phát triển trong 3 quý còn lại của năm 2024.
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế khẳng định: Các Hiệp định thương mại (FTA) là một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Minh Anh cho biết: Việt Nam đang có 19 FTA. Trong đó, 16 FTA vừa với tư cách thành viên ASEAN vừa với tư cách một bên độc lập. Nhờ vào các FTA này, hàng hóa Việt Nam có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới.
“Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm” - ông Minh Anh nói.
Cũng theo ông Minh Anh, việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.
“Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%” - ông Minh Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ, du lịch Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên đất nước ta cũng đã phục hồi rất nhanh.
Trong năm 2024, ngành du lịch quyết tâm phục hồi, đặt mục tiêu lượng khách đến với Việt Nam sẽ bằng năm 2019 là khoảng 17 đến 18 triệu người.
“Một tín hiệu đáng mừng là vào quý I năm 2024 kết quả đã vượt qua lượng khách cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những động lực để ngành du lịch cố gắng tháo gỡ những vướng mắc về giá vé để mở ra những cơ hội lớn đất nước trong thời gian tới” - ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhắc tới một yếu tố khác có thể tạo ra sự cộng hưởng cho tăng trưởng kinh tế, đó là thị trường bất động sản.
Theo vị chuyên gia này, trong năm vừa qua Quốc hội vừa thông qua 3 đạo Luật quan trọng bao gồm: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Ông Nam nhấn mạnh: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng cũng rất đẩy mạnh về hoạt động chuyển đổi số, ví dụ như Luật Đất đai đã có thêm những quy định để số hóa công tác quản lý đất đai, việc này được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt thời gian qua.
“Trong Luật Các Tổ chức tín dụng cũng vậy, cũng có một số quy định để thúc đẩy phát triển của ngân hàng số, ngân hàng điện tử và đây là một trọng tâm để phát triển kinh tế số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Nguyễn Hải Nam cho biết.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tập trung vào những động lực tăng trưởng mới như con người, trí tuệ, công nghệ…
“Nhưng để những yếu tố này trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn” - ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.
Hiện nay, ông Quất cho rằng, khai thác lợi thế con người thế hệ mới cũng như khơi thông động lực cho thế hệ trẻ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khơi thông động lực cho thế hệ trẻ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: SPCT
Theo ông Quất nhận định, thế hệ trẻ của Việt Nam có kỹ năng, trình độ ngôn ngữ, chủ động, sáng tạo, cũng như dám đối mặt với thách thức và chấp nhận rủi ro.
Do đó, ông Quất cho rằng, cần có hệ sinh thái để hỗ trợ và khuyến khích thế hệ trẻ thử nghiệm và phát triển. Trong đó, lấy doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp là trụ cột trong hệ sinh thái, cũng như tăng cường kết nối giữa các khu vực trong hệ sinh thái.
Đồng thời, ông Quất cho biết, cần có sự cam kết hỗ trợ từ Chính phủ để thúc đẩy đưa các sản phẩm công nghệ nội địa ra thị trường như mua sắm công cần có chính sách ưu tiên dùng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất để tạo cơ hội cho các sản phẩm nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, Trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Quất cũng đề nghị, cần tăng cường các giải pháp trong thu hút nguồn lực tài chính, hỗ trợ tiếp cận thị trường và mạng lưới hỗ trợ quốc tế để ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
“Từ đó giúp thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận với các nguồn lực, kiến thức và công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững và hiệu quả” - ông Quất nói.