Hà Lan cho biết chính quyền nước này có thể buộc phải ngừng sử dụng Facebook sau cảnh báo từ cơ quan quản lý quyền riêng tư của Hà Lan về rủi ro quyền riêng tư của nền tảng mạng xã hội này.
Cụ thể, cơ quan bảo vệ dữ liệu Hà Lan (DPA) đã khuyến nghị Bộ Nội vụ Hà Lan không nên dựa vào những trang Facebook để liên lạc với công dân nếu họ không hiểu rõ cách Facebook sử dụng dữ liệu cá nhân của những người truy cập vào các trang của chính phủ.
Bộ Nội vụ trước đó cũng đã yêu cầu DPA tư vấn về việc liệu chính phủ có thể sử dụng các trang Facebook hay không.
Chính phủ Hà Lan muốn Meta làm rõ "càng sớm càng tốt, chậm nhất là trước kỳ nghỉ hè, về cách họ giải quyết những lo ngại của chúng tôi", Alexandra van Huffelen, Bộ trưởng Số hóa Hà Lan, cho biết trong một tuyên bố. "Nếu không, theo lời khuyên của DPA, chúng tôi buộc phải ngừng những hoạt động của mình trên các trang Facebook", bà nói thêm.
Chủ tịch DPA Hà Lan, Aleid Wolfsen cũng chia sẻ "những người truy cập trang của chính phủ luôn tin tưởng rằng thông tin cá nhân và vấn đề nhạy cảm của họ được an toàn". Theo ông, điều này còn quan trọng hơn khi còn liên quan đến các thông tin về trẻ em và thanh thiếu niên. Họ là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trên mạng và cần được bảo vệ nhiều hơn.
Trả lời CNBC, người phát ngôn của Meta nói “về cơ bản không đồng ý với đánh giá làm cơ sở cho lời khuyên này” và “thể hiện sự hiểu lầm cơ bản về cách thức sản phẩm của chúng tôi hoạt động". Phát ngôn viên khẳng định tất cả sản phẩm của Meta đều đảm bảo tuân thủ luật pháp tại nơi hoạt động.
Trước đó vào tháng 5/2023, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland đã tuyên phạt Meta sô tiền 1,2 tỷ euro vì chưa bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng Liên minh châu Âu đầy đủ.
Cơ quan quản lý Ireland đã lưu ý rằng, bằng cách chuyển dữ liệu giữa châu Âu và Mỹ, Meta đã không chú ý đến những rủi ro đối với những quyền và quyền tự do cơ bản của người dùng, bất chấp việc Tòa án châu Âu đưa ra cảnh báo về sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp bảo vệ thông tin.
Năm ngoái, chính phủ Hà Lan cũng đã cấm những quan chức cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc trên điện thoại làm việc với lý do lo ngại về khả năng bị gián điệp. Vào thời điểm đó, những quan chức chỉ ra Facebook và Instagram có thể bị xóa khỏi danh sách trong tương lai.