Đêm 13/4, rạng sáng 14/4, còi báo động phòng không bắt đầu vang lên trên khắp lãnh thổ Israel, cùng với đó thông báo về một vụ tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Tel Aviv.
Theo lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Iran đã sử dụng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái trong cuộc tấn công. Các đợt không kích kéo dài đến hơn 5 giờ.
Israel đã đi quá giới hạn
Trong một tuyên bố sau vụ tấn công 13/4, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố đã hoàn thành "sứ mệnh dạy cho Israel một bài học" nhằm đáp trả việc Israel không kích vào đại sứ quán Iran ở Damacus, Syria hôm 1/4.
"Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), với sự hợp tác và phối hợp của tất cả bộ phận về quốc phòng, chính trị của đất nước tối qua đã mở ra trang sử mới cho Iran và dạy cho kẻ thù một bài học", Tổng thống Raisi tuyên bố hôm 14/4.
Tuy nhiên, Israel chưa bao giờ thừa nhận đứng sau vụ tấn công đại sứ quán Iran tại Syria làm 16 người thiệt mạng, trong đó có 7 sĩ quan cấp cao của IRGC.
Đối với Iran việc một cơ quan đại diện ngoại giao của nước này bị tấn công là giới hạn cuối cùng, và nó đi trái lại các quy tắc quốc tế về ngoại giao.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an, từ lâu, đại sứ quán hay các cơ quan đại diện ngoại giao nói chung được coi là bất khả xâm phạm ngay cả trong xung đột vũ trang. Do đó việc cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria bị không kích là điều khó có thể chấp nhận.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, đối với Iran, vụ tấn công đại sự quán của nước này ở Syria là một “giọt nước tràn ly”, Tehran sẽ khó có thể bỏ qua sự xúc phạm tột cùng này.
Trong khi đó đối đầu giữa Israel và Iran ở Trung Đông giống như “thùng thuốc súng” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Trong một số chiến dịch không kích trước đây, không quân Israel thường nhằm vào các mục tiêu là yếu nhân IRGC đang hoạt động ở Iraq, ở Syria, ở Lebanon. Tuy nhiên, địa điểm của các cuộc tập kích đó đều là các doanh trại quân sự hoặc cơ sở hạ tầng của các lực lượng thân Tehran và không có yếu tố ngoại giao.
Vụ không kích lần này của Israel nhằm vào đại sứ quán Iran đã mang một tính chất khác. Đó là sự xâm phạm nghiêm trọng “lãnh thổ đặc biệt” của một quốc gia có chủ quyền. Do đó, ngươi Iran hoàn toàn có quyền tự vệ chính đáng khi trả đũa các đòn tấn công của Israel.
“Nếu không trả đũa, chính quyền Tehran sẽ bị dư luận trong chính nước này lẫn bên ngoài coi là yếu đuối. Nhưng liều lượng của sự trả đũa ấy phải đủ mức để chứng tỏ rằng Tehran cũng biết kiềm chế nhưng cũng chứng minh cho quyết tâm bảo vệ đồng bào mình trước những đòn tấn công khiêu khích của đối thủ”, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhận định.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm đòn trả đũa của Iran là có giới hạn với nhiều mục đích.
Một là, răn đe đối thủ, không chỉ dành cho Israel mà cả các đối thủ khác trong khu vực, bao gồm cả Mỹ.
Hai là, kiểm tra khả năng Mỹ có thể hỗ trợ Israel tới mức nào khi nước này bị tấn công.
Ba là, đòn trả đũa của Iran còn gián tiếp nhắm vào uy tín của Mỹ trong con mắt Israel và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Về phần Israel, sau cuộc tấn công 13/4, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã nhiều tuyên bố sẽ tấn công đáp. Tuy nhiên nội các chiến tranh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhóm họp hai lần vào ngày 14/4 và 16/4 đều chưa thể thông qua một kế hoạch cụ thể để trả đũa Iran.
Bản thân ông Netanyahu không ủng hộ việc tiếp tục gây hấn với Tehran trong giai đoạn hiện tại. Sự chần chừ này của Israel phần lớn đến từ việc Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia vào kế hoạch tấn công trả đũa Iran do Tel Aviv phát động.
Ảnh minh họa đường tấn công của tên lửa và UAV do Iran và Houthi phóng đến Israel hôm 13.4. (Ảnh: Business Standard)
Không ai muốn xung đột
Đại tá Nguyễn Minh Tâm phân tích, việc Thủ tướng Netanyahu không ủng hộ một hành động quân sự trực tiếp nhằm vào Iran có thể đến từ cuộc điện đàm giữa ông vào Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau vụ tấn công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã đề nghị Israel không đáp trả bằng biện pháp quân sự, bởi việc họ đánh chặn được đòn tập kích của Iran "đã là một chiến thắng".
“Đề nghị của Mỹ đối Israel được lấy ra từ chính kinh nghiệm của nước này trong xung đột ở Ukraine. Đối đầu quân sự giữa Israel và Iran sẽ sớm biến thành một cuộc chiến tiêu hao làm suy yếu tiềm lực của tất cả các bên”, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhận định.
Một mặt khác, nội bộ chính quyền Tel Aviv đã xuất hiện nhiều rạn nứt khiến họ không còn “đoàn kết” như khi bắt đầu cuộc xung đột ở Gaza. Bởi các tư lệnh IDF muốn tấn công trả đũa Iran dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.
Bộ trưởng Nội vụ Israel Benny Gantz và ông Gadi Eisenkor thuộc đảng Thống nhất quốc gia, thành viên dân sự của nội các chiến tranh Israel cho rằng họ cần tấn công đáp trả Iran ngay lập tức trong khi cuộc tấn công của Iran còn chưa chấm dứt.
Nhưng Thủ tướng Netanyahu, được sự đồng thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và ông Herzi Halevi đã không đồng ý vì làm như vậy bởi nó sẽ phân tán lực lượng phòng không và không quân Israel khi họ còn phải đang đối mặt với Hezbollah ở phía Bắc và Hamas ở phía Nam.
Ngay cả đối với các quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu thì việc phân tán binh lực là điều ít khi được thực hiện. Khi nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Israel là dập tắt sức kháng cự của phong trào Hamas ở Gaza còn chưa hoàn thành thì việc triển khai thêm một hành động quân sự mới sẽ mang lại những rủi ro không thể lường trước được.
Một cuộc họp nội các chiến tranh của Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu triệu tập hôm 15/4. (Ảnh: GPO)
Mỹ cũng biết được điều này nên ông Joe Biden đã khuyên Israel nên “suy nghĩ cẩn thận và có chiến lược chắc chắn”. Không ai khác, một khi Trung Đông chìm trong ngọn lửa chiến tranh tổng lực thì chính Mỹ cũng sẽ hứng chịu hậu quả về kinh tế và chính trị.
Trong khi đó, các nước phương Tây tuy lên án cuộc tấn công của Iran nhưng cũng không muốn tình hình bùng nổ, leo thang hơn nữa. Nga, Trung Quốc, các nước Ả Rập và nhiều nước khác trong cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, kêu gọi Israel và Iran kiềm chế, tránh để tình hình leo thang hơn nữa.
Một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ đẩy khu vực Trung Đông vốn đang hết sức căng thẳng và lan rộng do cuộc chiến tại Dải Gaza vào một vòng xoáy B.L mới nguy hiểm, không ai mong muốn.
Iran tấn công Israel với mục tiêu chính không phải muốn gây xung đột với Nhà nước Do Thái mà là để cảnh báo Israel không được tái diễn các hành động tương tự đánh vào các cơ quan ngoại giao và lợi ích của Iran nữa, đồng thời để thể hiện sức mạnh quân sự của Iran, vai trò của Iran không thể thiếu được ở khu vực cũng như trên thế giới.
Trên thực tế, Iran đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự và sau đợt tấn công vừa qua đến nay không bắn thêm quả tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel nữa. Israel tuyên bố sẽ đáp trả khốc liệt nhưng đến nay vẫn chưa có hành động gì cụ thể.
Thế giới đã quá mệt mỏi với cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Một cuộc chiến Israel - Iran nếu xảy ra sẽ không chỉ ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ tình hình chính trị, kinh tế trên cấp độ toàn cầu.
Tác động toàn cầu
Trong bối cảnh các bên đều tỏ rõ ý định kiềm chề nhằm ngăn chặn đối đầu quân sự leo thang, nhưng một cuộc xung đột mới Trung Đông vẫn có thể xảy ra. Giờ đây “quả bóng” đang ở phần sân Israel và Thủ tướng Netanyahu phải cân nhắc xem liệu Tel Aviv có nên tiến hành một cuộc tấn công hay không.
Một cuộc xung đột mới ở Trung Đông gần như lập tức tác động đến toàn cầu do giá dầu tăng ồ ạt. chiến tranh nổ ra đồng nghĩa với việc Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng đã vận chuyển hơn 1/4 tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu vào năm 2022 và nửa đầu năm 2023.
Một khi xung đột Israel - Iran nổ ra nó sẽ tác động đến toàn bộ tình hình chính trị, kinh tế trên cấp độ toàn cầu. (Ảnh: Reuters)
Điều này làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên đã đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Các nhà phân tích dự đoán giá dầu sẽ phá mốc 100 USD/thùng nếu xung đột gia tăng, ngay cả trước khi eo biển Hormuz bị đóng cửa.
Các quốc gia Ả Rập, trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Israel, đã tham gia chiến dịch phòng không, bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Iran, đồng thời mở không phận cho phương Tây và Israel ngăn chặn các đợt tấn công từ Tehran.
Các nước Ả Rập đã cố gắng giảm căng thẳng , trong đó Ả Rập Xê-Út kêu một giải pháp ngoại giao thay vì đối đầu quân sự.
Trung Quốc cũng kêu gọi bình tĩnh và giảm căng thẳng. Kể từ khi Trung Quốc làm trung gian bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Iran vào năm 2023, Bắc Kinh đã tìm cách khẳng định mình ngang hàng với Mỹ và đảm bảo giá năng lượng thấp.
Vì Trung Quốc đã kế thừa vị thế của Mỹ là nước mua dầu lớn nhất khu vực nên nước này có rất nhiều đòn bẩy để tận dụng. Trung Quốc cũng có toan tính khi cố gắng hạ nhiệt căng thẳng bởi giá năng lượng leo thang sẽ tác động xấu đến nền kinh tế của nước này.
Tác nhân toàn cầu duy nhất được hưởng lợi từ việc giá dầu leo thang là Nga. Moskva gần như là nước duy nhất trong số các chủ thể quốc tế được hưởng lợi từ bất ổn Trung Đông.
Nga phụ thuộc vào doanh thu xuất khẩu năng lượng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Iran, quốc gia đang sản xuất máy bay không người lái cho Nga sử dụng để chống lại Ukraine. Cuộc tấn công của Iran được cho là lấy cảm hứng từ chiến thuật chiến trường của Nga.
Tổng thống Biden đang ở trong một tình thế khó khăn phải tìm cách giải quyết trước cuộc bầu cử vào tháng 11. Trong khi đó chính sách đối đầu với Nga hoặc Trung Quốc có nguy cơ khiến một trong hai cường quốc trả đũa bằng cách khơi dậy xung đột ở Trung Đông thông qua Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
Tổng thống Biden đang ở trong một tình thế khó khăn phải tìm cách giải quyết trước cuộc bầu cử vào tháng 11, kiềm chế hành động của Israel là giải pháp duy nhất. (Ảnh: Telegraph)
Thực tế này dẫn đến một kết quả là bổ sung viện trợ quân sự cho Israel và Ukraine đều không thể giúp Mỹ giải quyết các vấn đề hiện tại.
Mỹ đang gây áp lực buộc đồng minh Israel hạn chế phản ứng trong xung đột ở Gaza đã quá nhiều tai tiếng mặt khác Washington cũng đang đề nghị các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út gây áp lực tương tự đối với Iran.
Sự phối hợp quốc tế như vậy là cần thiết để duy trì áp lực lên cả Iran và Israel nhằm ngăn chặn leo thang. Việc cân bằng tất cả những lợi ích giữa các bên là điều không hề dễ dàng.
Sự leo thang mới nhất của các cuộc xung đột ở Trung Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của địa kinh tế năng lượng và bản chất đang thay đổi của hệ thống quốc tế.
Con đường phía trước đòi hỏi một hành động cân bằng, chính sách ngoại giao khéo léo và kiềm chế chiến lược để tránh kinh tế thế giới rơi vào hỗn loạn. Bất kỳ giải pháp ngoại giao thành công nào cho cuộc khủng hoảng này sẽ liên quan đến việc khôi phục vị thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông và trên thế giới.