Tổng cục thống kê vừa có Báo cáo về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý 1 và dự báo quý 2/2024. Trong đó, số doanh nghiệp ngành xây dựng trả lời ở kỳ điều tra quý 1/2024 là 6.018 doanh nghiệp.
CHỈ 16,3% SỐ DOANH NGHIỆP ĐÁNH GIÁ SẢN XUẤT KINH DOANH THUẬN LỢI
Theo Báo cáo, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng quý 1/2024 khó khăn hơn quý 4/2023 với 16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 41,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và tới 42,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Ngoài ra, dự báo quý 2/2024 so với quý 1/2024, 32,2% doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 40,7% cho rằng giữ ổn định và 27,1% dự báo sẽ khó khăn hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra trong quý 1/2024, các yếu tố đầu vào có nhiều biến động. Đối với vấn đề sử dụng lao động, kết quả khảo sát cho thấy 13% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết lao động trong doanh nghiệp tăng so với quý 4/2023; 56% phản ánh lao động không đổi; 31% nhận định lao động giảm. Dự báo quý 2/2024 so với quý 1/2024, 27,3% doanh nghiệp nhận định lao động tăng; 58,8% doanh nghiệp nhận định không đổi; 13,9% doanh nghiệp nhận định lao động giảm.
Bên cạnh đó là chi phí sản xuất, quý 1/2024, 31,1% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng so với quý 4/2024; 35,7% doanh nghiệp nhận định không thay đổi; 33,2% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm. Dự báo quý 2/2024 so với quý 1/2024, thì 46,9% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 40,2% doanh nghiệp dự báo không đổi; 12,9% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm.
Tương tự, về hợp đồng xây dựng mới trong quý 1/2024 so với quý 4/2023, có 15,1% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và 44,6% cho biết không đổi; 40,3% phản hồi giảm. Dự báo quý 2/2024, các doanh nghiệp bày tỏ hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý 1/2024 với 80,2% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi (32,9% doanh nghiệp nhận định tăng; 47,3% doanh nghiệp nhận định không thay đổi); 19,8% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Còn về năng lực hoạt động của doanh nghiệp, 24,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động dưới 50% năng lực thực tế của doanh nghiệp; 33% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế; 25,2% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 15,7% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 90 đến 100%; 1,9% doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp hoạt động trên 100% năng lực thực tế của doanh nghiệp.
Riêng vốn vay, 18,3% doanh nghiệp nhận xét vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2024 thuận lợi hơn quý 4/2023; trong khi đó, 55% cho rằng không thay đổi; 26,7% nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý 2/2024, có 20,9% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý 1/2024; 57,7% nhận định không thay đổi; 21,4% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn quý 1/2024.
46,4% DOANH NGHIỆP ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC HỖ TRỢ VỐN
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng đã đưa ra kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, 46,4% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 44,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; 38,3% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; 32,9% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; 26,6% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 24,3% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các nhóm kiến nghị trên, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng còn kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương 4 vấn đề nữa.
Thứ nhất, sau Tết Nguyên Đán, hoạt động xây dựng quay trở lại quỹ đạo bình thường, quý 2/2024 các doanh nghiệp dự báo có thêm hợp đồng xây dựng mới nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Vì vây, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cùng Bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát giá, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tránh sự độc quyền về nguồn cung dẫn đến tăng giá, để hoạt động xây dựng của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, thiếu vốn là vấn đề của hầu hết doanh nghiệp, mà năng lực tài chính của doanh nghiệp là một trong những yếu tố chính quyết định đến khả năng trúng thầu của đơn vị. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn giảm bớt điều kiện vay vốn, thủ tục vay vốn. Qua đó, có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi.
Thứ ba, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
Thứ tư, lao động nghỉ việc, chuyển việc do bị nợ lương, chậm lương quá lâu, vì vậy, cần nhanh chóng thanh quyết toán nợ đọng, được giải ngân vốn, tạm ứng vốn đúng kỳ hạn, giúp thanh toán nợ lương cho người lao động.