Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/3), khi số liệu lạm phát mới nhất về cơ bản phù hợp với dự báo, mở đường cho nhà đầu tư quay trở lại mua các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn bị bán tháo mấy phiên gần đây như Nvidia hay Meta. Giá dầu thô giảm nhẹ do mối lo về lãi suất, trong lúc thị trường nghiền ngẫm dự báo mới nhất về nhu cầu dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 235,83 điểm, tương đương tăng 0,61%, đạt 39.005,49 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 1,12%, đạt 5.175,27 điểm, vượt qua kỷ lục đóng cửa trước thiết lập vào hôm 7/3. Chỉ số Nasdaq tăng 1,54%, chốt ở mức 16.265,64 điểm.
Trước phiên tăng này, thị trường đã có 2 phiên giảm liên tiếp do cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh sau một thời gian dài liên tục tăng cao và dẫn dắt xu hướng tăng của toàn thị trường.
Phiên này, cổ phiếu hãng sản xuất con chip khổng lồ Nvidia tăng hơn 7%. Cổ phiếu hãng phần mềm Microsoft tăng 2,6%, trong khi Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - tăng 3,3%. Cổ phiếu hãng phần mềm Oracle tăng hơn 11%.
“Thật khó để xung lực tăng của thị trường bị chặn lại, bởi lợi nhuận, lạm phát và lãi suất đều đang đi đúng hướng”, Giám đốc đầu tư Skyler Weinand của công ty Regan Capital nhận định với hãng tin CNBC.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,4% trong tháng 2 so với tháng 1 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng tháng phù hợp với dự báo, nhưng mức tăng cả năm cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 3,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
CPI lõi, thước đo không bao gồm hai nhóm hàng hóa có mức độ biến động lớn và thường xuyên về giá cả là năng lượng và thực phẩm, tăng 0,4% theo cơ sở tháng và 3,8% theo cơ sở năm. Hai mức tăng này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
Đánh giá về báo cáo này, giới phân tích cho rằng những số liệu được đưa ra là bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm chậm lại và có thể dai dẳng trên mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường về cơ bản không cho rằng báo cáo này sẽ làm thay đổi kỳ vọng về việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach của công ty LPL Financial cho rằng việc đưa lạm phát về mục tiêu sẽ tiếp tục là một chặng đường không dễ dàng.
Theo ông Roach, lạm phát ở Mỹ hiện nay chủ yếu phát sinh từ một số ít nhóm hàng hóa, dịch vụ, tương tự như xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ tập trung vào một số ít nhóm cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. “Nếu không tính đến các nhóm nhà ở và xăng dầu, lạm phát tiếp tục giảm”, ông nhấn mạnh.
Trong khi thị trường cổ phiếu tăng điểm, thị trường trái phiếu có phản ứng trái ngược với báo cáo lạm phát. Mối lo của các nhà đầu tư trái phiếu rằng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đã khiến trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán mạnh phiên này, dẫn tới lợi suất tăng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 4,9 điểm cơ bản lên mức 4,153%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 5,9 điểm cơ bản, đạt 4,5925%.
Sau báo cáo CPI, kỳ vọng của thị trường về việc Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6 cũng giảm nhẹ. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đặt cược 69,8% vào thời điểm tháng 6 cho việc khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed, từ mức 71,7% trong phiên trước.
Trong thời gian còn lại của tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ hướng tới một báo cáo lạm phát khác là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,37 USD/thùng, tương đương giảm 0,47%, chốt ở mức 77,56 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,29 USD/thùng, tương đương tăng 0,35%, chốt ở 81,92 USD/thùng.
Mối lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đã gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên này. Tuy nhiên, mức giảm của giá dầu được hạn chế bởi dự báo mà OPEC đưa ra.
Trong báo cáo cập nhật hàng tháng về tình hình và triển vọng của thị trường dầu lửa toàn cầu, OPEC giữ nguyên dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2024. Tổ chức này nhận định nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi nguồn cung dầu ngoài OPEC chỉ tăng 1,1 triệu thùng/ngày.
Dự báo này đồng nghĩa thị trường dầu sẽ thiếu công trong năm 2024 trừ phi OPEC rút lại kế hoạch cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày. Hiện tại, OPEC dự kiến duy trì việc thực thi kế hoạch giảm sản lượng này cho tới ít nhất hết quý 2.
Đầu tháng này, giá dầu WTI đã đạt tới mốc 80 USD/thùng, nhưng sau đó giảm trở lại vì lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu dầu ở Trung Quốc và sản lượng dầu tăng mạnh ở châu Mỹ, nhất là ở Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng ở Mỹ đã tăng 9%, với giá bình quân toàn quốc của mỗi gallon xăng thường ở thời điểm ngày thứ Ba là 3,39 USD, tương đương khoảng 22.200 đồng/lít - theo dữ liệu từ AAA, một hiệp hội của tài xế Mỹ.