Theo thống kê, MCO của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng BDC Việt Nam niêm yết trên HNX đã tăng hơn 846% trong 1 năm qua lên mức 28.900 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng BDC Việt Nam có tiền thân là Công trường 1 được thành lập năm 1997 trực thuộc Tổng công ty xây dựng đường thủy. Ngành nghề kinh doanh: xây dựng các công trình giao thông trong và ngoài nước; xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, thủy lợi, đường điện; khai thác, kinh doanh đá, vật liệu xây dựng...
Đáng chú ý, MCO có mức tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay. Chốt phiên giao dịch đầu năm nay (2/1), MCO có giá 8.200 đồng trên cổ phiếu. Tính đến cuối phiên sáng nay 12/3, MCO có giá 19.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, MCO đã tăng hơn 252% kể từ đầu năm.
Tiếp theo là mã VFS của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đang giao dịch trên UPCOM, tăng 450% kể từ đầu năm.
Công ty TNHH MTV Tổng công ty Lương thực miền Nam – VINAFOOD II – được thành lập theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. VINAFOOD II là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Vị trí thứ 3 thuộc về BCH của Công ty cổ phần B.C.H. Cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng 405% kể từ đầu năm.
Công ty cổ phần B.C.H hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề; trong đó, ngành nghề chính là: Phôi thép, thép xây dựng, phế liệu kim loại, than coke, các sản phẩm phụ trợ của ngành thép … Hiện BCH đang được giao dịch trên thị trường UPCOM.
Các mã cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là ICF của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy Sản tăng hơn 335%. Đáng chú ý, ICF đã có tới 8 phiên tăng trần liên tiếp gần đây. Cuối phiên sáng nay cổ phiếu này cũng tiếp tục tăng trần.
Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán giúp nhiều mã cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh, Các mã đáng chú ý như: FTS tăng gần 262%, BSI tăng hơn 261%, VIX tăng hơn 219%.
Đáng chú ý, CAP của CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái đã có quãng thời gian tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây. Cổ phiếu này đã tăng tới 14 phiên liên tiếp và đến sáng nay mới quay đầu giảm. Hiện CAP có giá 101.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 34% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, Giá trị vốn hóa thị trường của CAP cũng theo đó có lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ đồng, kỷ lục kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2008. So với thời điểm 10 năm trước, vốn hóa của doanh nghiệp này đã gấp 27,5 lần (tăng 2.650%), tương ứng tốc độ tăng trưởng kép cho giai đoạn 2014-2024 lên đến 39%/năm, một con số rất ấn tượng.
CAP tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái, thành lập năm 1972. Đến năm 1994, doanh nghiệp được thành lập lại và đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm sản, nông sản thực phẩm. Sau khi cổ phần hóa năm 2004, CAP chính thức lên sàn chứng khoán đầu năm 2008 mang theo những mặt hàng độc lạ.
CAP được biết đến là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tâm linh (giấy đế, vàng mã).
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, CAP chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %.
Mới đây, Công ty cổ phần Lâm Nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán CAP) vừa thông báo chốt quyền trả cổ tức niên độ 2022 - 2023 với tổng tỷ lệ 100%. Đây là doanh nghiệp sản xuất vàng mã duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong đó, công ty sẽ trả 50% bằng tiền mặt (tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu được nhận 5.000 đồng) và 50% bằng cổ phiếu (cổ đông đang nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 50 cổ phiếu mới). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/3 và thanh toán vào ngày 30/5.
Với hơn 10,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, CAP sẽ chi cổ tức tiền mặt hơn 50 tỷ đồng và phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty sau đợt phát hành này tăng lên gần 151 tỷ đồng.