Gọn quy trình, thoáng lối đi
Khác với mọi năm, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Chứng khoán DNSE, dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới, sẽ trình thêm kế hoạch niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu. Đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cụ thể niêm yết trên sàn HoSE vào quý II-III/2024, là điều mà lãnh đạo DNSE từng hẹn với nhà đầu tư khi chia sẻ trước thềm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) mới đây.
Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 quy định, một trong các tiêu chí để một doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên sàn là đã giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm hoặc là doanh nghiệp đã IPO, doanh nghiệp cổ phần hóa. IPO trở thành một công ty đại chúng, như cách DNSE thực hiện, là con đường ngắn hơn tiến đến niêm yết, thay vì chờ đợi 2 năm ở sàn UPCoM.
Không chỉ vậy, đây còn là con đường “lên sàn” được đặc biệt khuyến khích hiện nay. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 lần đầu do người đứng đầu Chính phủ chủ trì, trong nhóm nhiệm vụ/giải pháp đối với nhà phát hành, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện IPO gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cũng ngay tháng 3 này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn và tổ chức tư vấn tham dự, chia sẻ về các quy định cũng như các vướng mắc từ phía doanh nghiệp trong hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn IPO với niêm yết/đăng ký giao dịch.
Mục tiêu của Hội nghị là hướng đến rút ngắn quy trình trên. Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc”, do Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần này, bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) cho biết, UBCKNN đang cùng Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng quy chế phối hợp để giúp các khâu sau khi doanh nghiệp hoàn tất IPO, niêm yết/đăng ký giao dịch được rút ngắn thời gian; các vấn đề quy về một đầu mối báo cáo.
Kỳ vọng “tân binh” ngành xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng
Số liệu những năm gần đây cho thấy, số lượng doanh nghiệp lên sàn, đặc biệt là sàn niêm yết, giảm nhiều. Thậm chí, năm 2023, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên thị trường hầu như không có. Điều này khác hẳn với 5 năm trước, khi có những ngày, Sở Giao dịch chứng khoán tất bật đánh cồng vài lần.
Thủ tướng Chính phủ khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện IPO gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Từ phía doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm niêm yết/đăng ký giao dịch vẫn luôn là quyết định phải được cân nhắc kỹ càng. Như với DNSE, đại diện công ty chứng khoán này cho biết, Công ty chọn lên sàn năm 2024 vì đó là thời điểm thuận lợi khi có sự đồng thuận từ Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường, cùng môi trường lãi suất thấp.
“Đây là thời điểm thuận lợi để công ty chứng khoán niêm yết lên sàn, từ đó tăng quy mô hoạt động, cũng như quy mô thị phần. Số liệu đến cuối năm 2023 cho thấy, thị phần mở mới của chúng tôi chiếm hơn 30%, cho thấy nhu cầu đầu tư của người dân cũng như quy mô của thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển”, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư DNSE chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều công ty đại chúng, dù đã quá thời hạn, vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung và chấp nhận chịu các mức phạt hành chính lên tới cả trăm triệu đồng.
Lý giải sự vắng bóng “tân binh” trong những năm gần đây, theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường (CTCP Chứng khoán VPBankS), nguyên nhân chính là kinh tế trong nước và thế giới 2 năm gần đây đối mặt với môi trường lãi suất cao, trong khi doanh nghiệp trải qua giai đoạn khó khăn hậu Covid-19. Vì vậy, rất ít doanh nghiệp có khả năng vượt qua để duy trì được mức nền lợi nhuận tốt, có thể hỗ trợ tích cực cho kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn.
Tuy nhiên, ông Sơn kỳ vọng, thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp vượt qua được khó khăn và tìm đến thị trường chứng khoán. Trong đó, một số ngành nghề có thể đóng góp thêm “tân binh” trên sàn chứng khoán là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, hiện đại hóa nền kinh tế, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong mảng xây lắp công trình như đường cao tốc, thi công hầm sẽ có nhu cầu huy động lượng vốn lớn hơn, nên thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp nhóm này niêm yết cổ phiếu. Thành công của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả khi niêm yết cổ phiếu HHV trên sàn HoSE là một ví dụ.
Làn sóng chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE/HNX cũng đã “nóng” hơn trong những ngày đầu năm nay. Gần nhất, Chứng khoán DSC nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn HoSE trong tuần này. Cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel hủy đăng ký giao dịch vào ngày 1/3 và sẽ chính thức chuyển sang giao dịch ở sàn HoSE từ ngày 12/3.
Trong môi trường lãi suất huy động thấp, tiền gửi cá nhân của các tổ chức tín dụng vẫn tăng trong những tháng gần đây cũng là tín hiệu cho thấy, nhà đầu tư chưa quá hứng khởi tham gia thị trường chứng khoán. Dẫu vậy, với nguồn tiền chờ sẵn, sự xuất hiện của các “hàng hóa” mới, nhất là từ các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính và quản trị công ty tốt, sẽ thu hút được dòng vốn của các nhà đầu tư.