Lễ hội hoa đăng Loy Krathong được tổ chức hàng năm vào đêm Rằm tháng 12 âm lịch ở Thái Lan, là cách để người dân địa phương tạ ơn thần Nước vì đã cung cấp tài nguyên và tạ lỗi vì họ đã gây ô nhiễm. Tuy nhiên, lễ hội nổi tiếng này tạo ra không ít rác thải. Gần đây nhất, người ta đã có sáng kiến để các con kênh bớt gánh nặng sau lễ hội.
Nguồn gốc lễ hội
Một số tín ngưỡng cho rằng, lễ hội bắt đầu từ Vương quốc Sukhothai cổ đại, nơi ban đầu nó được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn đối với nữ thần Nước, Phra Mae Kongka. Theo thời gian, nó phát triển thành một lễ hội có quy mô rộng hơn với các chủ đề được mở rộng như sự tha thứ, buông bỏ những tiêu cực và tôn vinh tổ tiên.
Truyền thuyết Thái Lan kể về nữ hoàng xinh đẹp của Vương quốc Sukhothai tên là Nang Noppamas. Vì rất thông minh và tài năng nên bà đã tạo ra chiếc krathong đầu tiên có hình bông hoa sen tinh xảo và tặng nó cho vua Ramkhamhaeng. Ông đã say mê với món quà này và thả xuống nước với một ngọn nến đang cháy bên trên.
Mặc dù, truyền thuyết này không phải là một câu chuyện có thật về bối cảnh của lễ hội, nhưng nó là một câu chuyện được người Thái yêu thích, đến nỗi trong sự kiện còn có cuộc thi sắc đẹp được đặt theo tên của nhân vật trên.
Từ “Loy” có nghĩa là nổi, “Krathong” dùng để chỉ những giỏ, thường được trang trí bằng hoa và nến, được thả xuống sông, kênh và hồ, tượng trưng cho một khởi đầu mới. Trong những ngày trước khi diễn ra lễ Loy Krathong, các khu chợ trên khắp Thái Lan tràn ngập krathong được chế tác tinh xảo và rực rỡ.
Đã có thời làm krathong trở thành là một hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên ngày nay, người ta có thể mua chúng ở nhiều chợ địa phương khác nhau. Mặc dù vậy, ai cũng có thể tự làm krathong cùng gia đình và bạn bè và hòa mình vào truyền thống của Thái Lan.
Lễ hội Loy Krathong trùng với lễ thả đèn trời ở Chiang Mai. Ảnh: Shutterstock
Tổ chức như thế nào?
Theo truyền thống, người Thái sẽ bắt đầu lễ hội bằng cách làm krathong tại nhà cùng bạn bè và gia đình, mặc dù nhiều người cũng mua chúng từ các cửa hàng địa phương.
Vào hoàng hôn, mọi người tụ tập gần các vùng nước với những krathong được trang trí. Họ thắp nến và thắp hương trước khi nhẹ nhàng thả krathong xuống nước, tượng trưng cho việc giải phóng những tiêu cực và tôn vinh thần Nước. Văn hóa dân gian Thái Lan cho rằng, nếu krathong vẫn sáng cho đến khi khuất tầm mắt thì nó sẽ mang lại may mắn cho năm sau.
Trong lễ hội, du khách có thể thưởng thức các buổi biểu diễn văn hóa dân gian, diễu hành đèn lồng, bắn pháo hoa và hòa nhạc cổ điển Thái Lan. Thường sẽ có một cuộc thi sắc đẹp, nơi phụ nữ sẽ mặc trang phục truyền thống của Thái Lan.
Ở một số vùng như Chiang Mai còn có một truyền thống khác liên quan đến việc thả đèn lồng lên bầu trời để tượng trưng cho việc giải tỏa những lo lắng và theo đuổi một tương lai tươi sáng hơn.
Hàng nghìn chiếc đèn trời được thả vào màn đêm, tạo nên bầu không khí siêu thực khi chúng bay lên một cách duyên dáng, mang theo những ước muốn và ước mơ của mọi người.
Tại Sukhothai, nơi khai sinh ra lễ hội, Loy Krathong được tổ chức bằng việc tái hiện các nghi lễ cổ xưa mang tính lịch sử. Diễn ra trong 5 ngày, người dân địa phương thả đèn lồng nổi, tham gia các cuộc diễu hành và biểu diễn âm nhạc, đồng thời hướng đến các vùng nước địa phương để thả krathong với hy vọng và mong muốn về một tương lai tốt đẹp hơn.
Một phụ nữ Thái Lan thả krathong. Ảnh: Asia highlights
Cách thức mới giúp giảm rác thải
Lễ hội Loy Krathong tuyệt đẹp thắp sáng các con kênh và dòng sông ở Bangkok vào ban đêm - nhưng thường khiến những người tổ chức phải vất vả dọn dẹp những con kênh bị tắc nghẽn bởi hàng trăm nghìn vật thể vào sáng hôm sau. Theo cách thông thường, người ta phải chèo thuyền để vớt krathong gồm hoa và nến, tre… và tái chế chúng thành thức ăn chăn nuôi.
Một nhà sư thu gom rác trên sông sau lễ hội Loy Krathong. Ảnh: Reuters
“Rác thải sẽ trôi ra biển, ở các cửa sông và lấp đầy chúng”, nhà sư Mathee Vatchara Prachatorn ngồi trên mạn thuyền vớt rác nói, “Để giảm rác, mọi người phải chung tay”.
Trong lễ hội Loy Krathong gần đây nhất, một số người tham gia đã cố gắng hết sức để giảm bớt việc dọn dẹp bằng cách vẽ khoảng 3 nghìn bức tranh về ‘krathong’ và quét chúng vào máy tính trong suốt lễ hội. Sau đó, những hình ảnh này được chiếu lên mặt nước với đủ màu sắc rực rỡ.
Jirayada Surapant, 11 tuổi, cho biết: “Nó thực sự giúp ích rất nhiều vì làm giảm việc chặt cây và rác thải. Trước đó, khi mọi người thả trôi những chiếc giỏ thật, mọi thứ sẽ rơi xuống nước”.