Phản ánh đến Báo Báo , các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết họ rất hoang mang sau khi nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (giá thuê sạp) theo văn bản số 14664 do UBND TP Thủ Đức ban hành vào tháng 11-2023.
Theo văn bản trên, 3 vị trí là trung tâm thương mại, chợ Thủ Đức A, chợ Thủ Đức B đều tăng giá thuê sạp. Giá mới chưa bao gồm tiền thuê đất và chi phí tiêu thụ điện, sử dụng nước, dịch vụ vệ sinh dọn rác và các chi phí phát sinh khác.
Cụ thể, đối với khu chợ Thủ Đức B, các ki-ốt đầu hồi, lối đi lớn, giá thuê sạp dao động từ 29.000 - 38.000 đồng/m2/tháng tăng lên đồng 111.000 đồng/m2/tháng; ki-ốt không đầu hồi, lối đi lớn từ 30.000 - 34.000 đồng/m2/tháng tăng lên 103.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế GTGT)... tức tăng gấp 3 lần mức ban đầu.
Bà Đoàn Thị Thu Thủy (69 tuổi), một tiểu thương kinh doanh giày dép (hộ tên Phan Thị Thu Vân) ở khu trung tâm thương mại, than thở từ đợt dịch COVID-19 (năm 2020) đến nay việc kinh doanh vô cùng ế ẩm.
"Chợ mỗi năm càng ế, tôi lớn tuổi nên cố bám trụ để kiếm tiền dưỡng già. Tiền thuê quầy hằng tháng của tôi khoảng 135.000 đồng, nếu tăng tiền thuê lên 336.000 đồng/tháng, cộng thêm khoảng 75.000 đồng/tháng phí vệ sinh, bảo vệ nữa thì hơn 400.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước... Trong khi doanh thu hằng tháng chỉ có 4-5 triệu đồng, lợi nhuận có được bao nhiêu đâu"- bà Thủy nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (54 tuổi), chủ sạp kinh doanh trang mỹ phẩm, quà lưu niệm Kim Cúc số quầy từ 95-100 (tổng diện tích 18 m2) cách đó không xa, cũng cho hay việc khách hàng đổ xô mua hàng trên mạng khiến sức mua tại sạp giảm đến 70%-80%.
"Tiền thuê sạp tôi đang trả mỗi tháng là 810.000 đồng. Nếu tăng theo quy định sẽ lên khoảng 2,016 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm phí vệ sinh, bảo vệ), tương đương tăng 2,5 lần. Trong khi đó buôn bán ế ẩm, tôi còn phải nuôi 2 đứa con học đại học. Khó khăn lắm!"- bà Cúc than thở.
Khu chợ A của chợ Thủ Đức vắng khách dù là mặt tiền đường
iTVC from Admicro
Hoặc tại khu chợ A, bà Hoàng Thị Thu Hằng, tiểu thương bán giày dép da số quầy 38-40-42-44 (tổng diện tích 32,55 m2), cho biết mức phí thuê phải trả hằng tháng khoảng 980.000 đồng/tháng (tương ứng 30.100 đồng/m2), nếu tăng theo thông báo mới, bà phải trả tới 3,64 triệu đồng/tháng, tức tăng gần 4 lần.
Theo các tiểu thương khác, sau khi có thông báo tăng giá dịch vụ, một số tiểu thương đề nghị tăng theo lộ trình hoặc đợi chợ phục hồi trở lại rồi mới tăng giá. Một số tiểu thương khác còn đồng loạt ký Đơn xin kiến nghị và đơn xin cứu xét gửi đến UBND TP Thủ Đức với mong muốn hoãn tăng giá dịch vụ.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện đơn vị quản lý chợ Thủ Đức, cho biết chợ là do doanh nghiệp quản lý, còn giá cho thuê sạp do UBND TP Thủ Đức quyết định. Hiện tại, chợ Thủ Đức có 936 sạp nhưng chỉ có 634 quầy sạp còn hoạt động, 232 sạp không hoạt động và 70 sạp tạm ngừng. Tiểu thương khi nghe tăng giá thuê trong dịp cận Tết, có người lo lắng đến nỗi không dám nhập hàng.
Lý giải về việc bà con tiểu thương phản ứng, bà Hà cho biết những ki-ốt đầu hồi, lối đi lớn tưởng chừng kinh doanh tốt nhất nhưng hiện nay lại đang đóng cửa nhiều nhất do bán ế, thậm chí có người phá sản, vỡ nợ. Nên khi nghe tăng giá thuê sạp khiến họ vô cùng lo lắng.
"Tôi rất mong UBND TP Thủ Đức xem xét hoãn tăng giá thuê 6 tháng đầu năm 2024 do chợ đang gặp nhiều khó khăn, sau đó tăng theo lộ trình để bà con "dễ thở". Chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền vận động để tiểu thương chấp nhận, tránh việc bỏ chợ"- bà Đoàn Thị Thu Hà kiến nghị.
Đơn cứu xét của tiểu thương
Tiểu thương lướt điện thoại đợi khách hàng