Năm 2024: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một cuộc trò chuyện chia sẻ về những đánh giá và giải pháp thực hiện kế hoạch triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Năm 2024: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%. Đây được xem là mục tiêu tương đối cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Ngày 5.1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ra Quyết định số 68/QĐ-BKHĐT thực hiện Nghị quyết 01 với phương châm hành động năm 2024 là “Hội tụ trí tuệ - Hướng tới tương lai”.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành cho VietnamPlus một cuộc trò chuyện chia sẻ về những đánh giá và giải pháp thực hiện kế hoạch triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.

Nâng cao năng lực nội tại, vững vàng vượt khó

Năm 2024, dự báo bối cảnh mới sẽ tiếp tục có nhiều thách thức đan xen với thời cơ. Xin Bộ trưởng chia sẻ rõ nét hơn về vấn đề này?

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Về thuận lợi, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm đổi mới. Nước ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực; nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, doanh nghiệp lớn thế giới ghi nhận, đánh giá cao; năng lực quản trị xã hội không ngừng được nâng lên. Đây là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục ứng phó, thích ứng hiệu quả với những khó khăn, thách thức mới, nhất là những vấn đề bất ngờ phát sinh.

Ngoài ra, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... tiếp tục được nâng lên, nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn phát sinh.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 1.900km đường cao tốc, trong đó riêng năm 2023 là 475km đường cao tốc, các tuyến đường ven biển, liên vùng. Điều này góp phần mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương và cả nước. Đến nay, thể chế liên kết vùng cũng đã có những có bước đột phá rõ nét.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cơ bản đã hoàn thành, từ đó xác định được hướng phát triển và thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Mặt khác, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đã được khánh thành, là động lực quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, khởi nghiệp sáng tạo của đất nước trong tương lai.

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm đổi mới

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế cũng là điểm sáng nổi bật với những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt, Việt Nam đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, từ đó nâng tầm quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển; quan hệ hợp tác với Nhật Bản được lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vào thực tế khi khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn. Năm 2024, các dự báo chỉ ra còn nhiều rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.

Điều này kéo theo tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Trong khi đó, các nước đẩy nhanh việc thực thi “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển cũng như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Hơn nữa, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta... Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư...

Cơ cấu về nhu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “Tiêu dùng xanh” - điều này tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

Thêm vào đó, thách thức đối với liên kết vùng sẽ còn phức tạp nếu không sớm xác định và triển khai các biện pháp đặc thù nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, từng ngành và từng địa phương. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn mới từ đầu năm 2023 đến nay. Chưa kể, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu có thể phức tạp hơn, tác động ngày càng mạnh tới các hoạt động kinh tế, xã hội; trong đó có sản xuất lương thực, cấp nước cho phát điện, sản xuất, chăn nuôi… Các vấn đề an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh... luôn thường trực, diễn biến khó lường hơn.

Trong bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất, tham mưu gì cho Chính phủ, thưa Bộ trưởng?

- Bối cảnh trên đòi hỏi Việt Nam phải ứng phó, thích ứng kịp thời, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới, tận dụng cơ hội, thời cơ để phát triển bứt phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực mới về Kinh tế xanh, Tăng trưởng xanh, Kinh tế số, Kinh tế tuần hoàn... nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng nhanh, bền vững và thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm đã đặt ra.

Trong số đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp Luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, các ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương…; Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch đã ban hành…

Hai là bám sát tình hình, nâng cao chất lượng dự báo, triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành để ứng phó với tình hình phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ba là tiếp tục tranh thủ cơ hội, thời cơ từ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo.

Bốn là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các ngành, lĩnh vực mới về kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn…; thu hút nguồn lực Tài chính xanh, Tín dụng xanh ưu đãi, xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là đầu tư cho các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tính động lực, kết nối, liên vùng; nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, cải thiện năng lực sản xuất trong nước, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI với khu vực trong nước, đa dạng hóa thị trường đầu ra, đầu vào nguyên vật liệu, công nghệ, làm chủ công nghệ, chuỗi cung ứng, bảo đảm cung-cầu hàng hóa thiết yếu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Các nguồn lực từng bước khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả, nhất là các động lực, mô hình tăng trưởng mới theo xu thế phát triển

Bài học từ sự nỗ lực, đồng lòng

Nhìn lại những năm qua, sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế tiếp tục bị “bủa vây” bởi những khó khăn từ sự xung đột địa chính trị giữa các nước, lạm phát neo cao và thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm… Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua các “cơn gió ngược” trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Cảm nhận của Bộ trưởng lúc này như thế nào?

- Từ đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế nước ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực và là điểm sáng trong bức tranh toàn cầu.

Những kết quả đạt được đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của người dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp và đồng hành của Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương. Việt Nam đã ứng phó, thích ứng hiệu quả, khá thành công với bối cảnh, tình hình mới, được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao.

Điểm nổi bật là việc quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp Luật của Nhà nước. Từ đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và sự đồng hành giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và nỗ lực vươn lên được phát huy. Đảng, Chính phủ đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, đúng thời điểm, linh hoạt, hiệu quả; kiên định, bản lĩnh, không dao động trước thách thức, khó khăn; chuyển hướng trọng tâm kịp thời trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp, người dân nỗ lực để ứng phó, thích ứng từ bối cảnh, tình hình mới của thế giới, khu vực và trong nước. Các nguồn lực từng bước khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả, nhất là các động lực, mô hình tăng trưởng mới theo xu thế phát triển. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cùng với các hội nghị điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư… được tổ chức.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và nỗ lực vươn lên được phát huy

Điều này cho thấy sự chủ động tìm kiếm, tranh thủ cơ hội hợp tác, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng trong khu vực, toàn cầu để thu hút các dự án quy mô lớn, hiện đại trong ngành chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Bên cạnh đó, thể chế chính sách được tập trung xây dựng, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành được đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Sự phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi. Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vấn đề pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, đấu thầu, đầu tư công, ngân sách Nhà nước, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, xử lý doanh nghiệp, dự án, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng.”

Nhờ đó, những khó khăn, thách thức trước mắt của nền kinh tế từng bước được khắc phục, vượt qua và thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn đồng thời nâng cao năng lực nội tại, phát triển các động lực tăng trưởng mới, tạo nền tảng để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong trung và dài hạn. Đặc biệt kỷ luật, kỷ cương hành chính Nhà nước tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác tham mưu xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, luôn lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực quan trọng nhất, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đặc biệt là Chính phủ luôn ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển con người, văn hóa, xã hội và đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật