viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Trẻ nhỏ và người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm não virus, do hệ miễn dịch kém, khả năng đề kháng của cơ thể không đủ để chống lại sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nguyên nhân trẻ mắc viêm não virus
bệnh viêm não virus có 2 loại là: viêm não virus nguyên phát và viêm não virus thứ phát. viêm não virus nguyên phát có tác nhân gây bệnh là những virus có ổ chứa thiên nhiên, do côn trùng tiết túc (sinh vật đa bào, không xương sống như muỗi, ve…) truyền virus gây bệnh.
Các bệnh viêm não virus thứ phát là biến chứng của các virus gây bệnh sởi, quai bị, cúm, virus đường ruột…70% các trường hợp mắc viêm não được xác định là do virus. Nguyên nhân gây viêm não tiên phát xuất hiện khi virus trực tiếp tấn công vào não và tủy sống. Trong đó muỗi là một vectơ truyền bệnh từ chim, động vật gặm nhấm sang người. Điển hình là viêm não Nhật Bản hoặc viêm não do các virus khác như Herpes Simplex, EBV…
Tùy theo nguyên nhân gây viêm não mà có thể gặp ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi như: viêm não Nhật Bản (thường gây dịch vào các tháng 5,6,7, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 8, lây truyền qua trung gian muỗi đốt); Enterovirus (virus gây bệnh chân tay miệng, xảy ra quanh năm, nhưng nhiều hơn ở các tháng từ tháng 3 đến tháng 6; thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và lây truyền qua đường tiêu hóa); Virus Herpes Simplex xảy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ (HSV type 1), trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh viêm não cấp do HSV type 2.
Biểu hiện viêm não virus
Biểu hiện lâm sàng của viêm não virus rất đa dạng, bệnh thường biểu hiện cấp tính, triệu chứng ban đầu đôi khi không đặc hiệu, dẫn đến sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng thần kinh.
Người bệnh có thể biểu hiện toàn thân như sốt cao, sốt nóng, mệt mỏi nhiều, kèm theo triệu chứng của hội chứng màng não như đau đầu lan tỏa hoặc khu trú, nôn nhiều, táo bón ở người lớn hoặc tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Các triệu chứng thần kinh xuất hiện ngày càng rõ rệt, bệnh nhân có co giật kiểu động kinh, dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt nửa người hoặc liệt tứ chi, tổn thương dây thần kinh, rối loạn nhận thức và tâm thần như vô cảm, thờ ơ, kích động, mất định hướng, rối loạn cảm giác, rối loạn thần kinh thực vật…
Ở trẻ nhỏ các triệu chứng thường không điển hình, có thể chỉ nôn mửa, gồng cứng người, thóp phồng nếu bệnh nhân còn thóp, khóc không dỗ được hoặc khóc tăng lên khi bồng bế hoặc thay đổi tư thế.
Lời khuyên thầy thuốc
Các loại viêm não do virus hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Do đó, chủ động tiêm vaccine và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh là biện pháp hữu hiệu trong phòng bệnh viêm não virus.
Với những bệnh viêm não được lây truyền do côn trùng như muỗi thì nên hạn chế sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt là lúc bình minh và hoàng hôn – bởi đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Phụ huynh chú ý mặc quần áo phủ kín tay chân và mang tất cho trẻ.
Tại gia đình cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt như: Dùng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm, thông thoáng cống rãnh, đậy kĩ các vật dụng chứa nước, loại bỏ dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm mục đích loại bỏ nơi cư ngụ của loài muỗi đẻ trứng.
Đối với các chủng virus như herpes, sởi, quai bị… bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
tiêm vaccine phòng ngừa một số bệnh gây viêm não virus như: viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, cúm, Rubella, viêm gan B, thủy đậu…
Nếu phát hiện các biểu hiện sớm của bệnh, cần phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.