Tin liên quan
Chiều muộn ngày 9/1, đại diện viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đối đáp với những quan điểm tranh luận của 38 bị cáo và nhóm luật sư bào chữa tại phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan.
Theo đại diện viện Kiểm sát, đây là vụ án mà ngay từ đầu, cơ quan này đã làm rõ được bức tranh toàn cảnh Công ty Việt Á từ quá trình tham gia sản xuất, xin cấp phép lưu hành cho kit xét nghiệm, đến giai đoạn đấu thầu để đưa kit đến các địa phương.
Điều này cũng được thể hiện qua vai trò, hành vi của 38 bị cáo trong vụ án. Có bị cáo phạm tội xuyên suốt, có bị cáo chỉ là một mắt xích trong chuỗi sai phạm.
Cũng theo đại diện viện Kiểm sát, quá trình tố tụng đã đánh giá rất thận trọng toàn bộ hành vi của các cá nhân, bởi “đại án” Việt Á xảy ra tại 60/63 tỉnh, thành phố. Ở vụ án này, viện Kiểm sát kết luận hành vi sai phạm của 38 bị cáo liên quan tới 19 địa phương.
Trước quan điểm của luật sư cho rằng viện Kiểm sát đề nghị mức án quá cao đối với một số bị cáo, phía công tố đối đáp đối với vụ án này, cơ quan chức năng truy tố 38 bị cáo về nhóm 5 tội danh. Trong đó tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Bên cạnh đó, khi luận tội, viện Kiểm sát đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho nhiều bị cáo, qua đó đề nghị mức án dưới khung cho một số bị cáo. "Có người còn bị đề nghị mức hình phạt chưa đến 18 tháng tù", kiểm sát viên tranh tụng.
Liên quan tới con số thiệt hại cáo buộc Việt Á gây ra, đại diện viện Kiểm sát khẳng định, toàn bộ thiệt hại của vụ án là hơn 1.230 tỷ đồng. Trong đó, 402 tỷ là khoản thiệt hại cho Ngân sách nhà nước liên quan test xét nghiệm; 29 tỷ là thiệt hại về test tách chiết ở Bình Dương.
Theo Kiểm sát viên, còn lại hơn 800 tỷ đồng là khoản thu lời bất chính của Công ty Việt Á, trong đó hai nhóm chịu thiệt hại gồm các cơ quan Nhà nước và những tổ chức, cá nhân khác.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, Phan Quốc Việt và các bị cáo tại công ty này thực hiện chuỗi hành vi sai phạm trong thời kỳ dịch Covid-19. Cùng với đó, ngoài nhóm bị cáo thuộc doanh nghiệp, số còn lại ở các bộ, ngành, địa phương đã thông đồng, cấu kết với các bị cáo khác liên lạc, hỗ trợ, tác động cơ quan, cá nhân giúp Việt Á có được giấy phép, sản xuất, bán được test xét nghiệm.
Tổng giám đốc Việt Á kể nhiều công trạng trong hoạt động phòng, chống dịch.
Đối đáp quan điểm của bị cáo Phan Quốc Việt và một số luật sư cho rằng, cần xem xét yếu tố phòng chống dịch cấp bách; cũng như việc bị cáo Việt có công lớn trong đại dịch, đại diện viện Kiểm sát khẳng định, Việt Á và Phan Quốc Việt tham gia phòng chống dịch là để thu lời bất chính, nên không thể xem xét có công chống dịch như các luật sư đề nghị.
Hơn nữa, sau đó Việt và cấp dưới sử dụng tiền thu lời không chính đáng này để mang đi hối lộ. “Đây là tiền của Nhà nước, của nhân dân, nên không thể nói rằng Việt Á đã có công trong phòng chống dịch”, đại diện viện Kiểm sát nêu rõ quan điểm khi tranh luận.
Trước đó, trong phần tự bào chữa trước tòa, Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm đã gây ra. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định bản thân và Công ty Việt Á không có bất kỳ động cơ vụ lợi nào trong vụ án này.
bị cáo Việt khai, khi tham gia nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt Á là đơn vị chịu thiệt, nếu Học viện Quân y làm được quy trình thì chắc chắn Việt Á không phải bỏ tiền ra để tự nghiên cứu.
Theo Tổng giám đốc Công ty Việt Á, thời gian đầu của giai đoạn chống dịch Covid-19, chỉ công ty này có kit xét nghiệm, sau này thêm một số đơn vị nhưng không ai đáp ứng được, không ai có chất lượng như Việt Á.
bị cáo nêu ví dụ, ở Bắc Giang, nhiều đoàn vào hỗ trợ nhưng hiệu quả chống dịch không cao, đến khi Việt Á vào, cam kết 3 tuần sau là chống được. bị cáo cũng cho rằng, Công ty Việt Á còn chủ động thúc đẩy phương pháp xét nghiệm bằng mẫu gộp, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng, tăng tốc độ chống dịch, nhưng cũng đồng nghĩa Việt Á sẽ bị thiệt hại.