Cầu vốn dần trở lại với cả doanh nghiệp và người dân

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lãi suất cho vay giảm dần, thanh khoản dôi dư, nhu cầu vốn của khách hàng từng bước trở lại cả với doanh nghiệp và cá nhân.
Cầu vốn dần trở lại với cả doanh nghiệp và người dân
Ảnh minh họa

Dư nợ tín dụng tăng

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến ngày 13/12 đạt 9,87% (trước đó, tính đến ngày 31/11, đạt 9,15%). Cụ thể, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%, công nghiệp và xây dựng 7,31%, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông 11,94%, các hoạt động dịch vụ khác 5,3%. Mức tăng trưởng tín dụng đến ngày 13/12 tuy đã gần đạt mốc hai con số, nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%.

Lãnh đạo NHNN chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp như: đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm lĩnh vực này (vốn chiếm khoảng 21% tổng tín dụng chung). Việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề pháp lý (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...); danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư chậm ban hành khiến các ngân hàng khó tiếp cận, thẩm định dự án...

Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng, nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Cùng với đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay.

Cầu vốn trở lại

Với tốc độ giảm nhanh của lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2-2,5% tại các khoản vay phát sinh mới, lãi suất các khoản vay hiện hữu vẫn trên 10%/năm do có độ trễ 3 - 6 tháng so với lãi suất huy động, các chuyên gia phân tích của VCBS nhận định, tín dụng toàn hệ thống khả năng tăng 12% trong năm 2023.

Dù tín dụng tại TP.HCM còn cách xa mục tiêu tăng trưởng 14% năm 2023, nhưng tình hình giải ngân cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 11, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3,402 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước, là một trong các tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm, đẩy tín dụng 11 tháng tăng 5,97%.

Về nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng 11/2023 cao hơn các tháng trước trong năm, ông Lệnh cho rằng, đó là do tính chất mùa vụ với nhu cầu vốn tín dụng dịp cuối năm và Tết Âm lịch thường tăng cao, trong đó có nhu cầu vốn cho sản xuất, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân tăng cao; nhu cầu tiêu dùng mua sắm, du lịch và dịch vụ tăng…

Lãi suất thấp như hiện nay, theo lãnh đạo một ngân hàng, không chỉ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, mà còn kíc‌h thí‌ch nhu cầu vay vốn, nếu tiếp cận ở góc độ quan hệ cung cầu vốn tín dụng và góc độ thị trường. Bên cạnh đó, việc NHNN điều chỉnh và phân bổ hạn mức tín dụng phù hợp và khoa học cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện khai thác tốt tính chất mùa vụ cuối năm.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, thanh khoản ngân hàng dồi dào là điều kiện để lãi suất cho vay giảm thêm, nhưng sẽ giảm chậm và ít hơn so với thời gian qua. Cầu vốn của khách hàng dần trở lại, nhưng với khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, khả năng tín dụng cả năm 2023 chỉ đạt khoảng 11-12% và dự báo cả năm sau cũng chỉ xoay quanh mức này.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, trước hết, cần phải kích cầu tiêu dùng trong nước thì mới có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Đồng thời, gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục được triển khai sẽ kích cầu toàn diện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật