Tăng lương tối thiểu vùng cùng thời điểm cải cách tiền lương
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, sau 2 phiên họp thương lượng về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2024 là 6%, trình Chính phủ áp dụng từ ngày 1-7-2024. Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra mức đề xuất cao nhất 7,3%; về phía người sử dụng lao động đưa ra từ 4 - 5% và bộ phận kỹ thuật của Hội đồng cũng đưa ra 3 phương án là 4%, 5% và 6%.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đánh giá, thời gian qua, những khó khăn về việc làm khiến thu nhập của công nhân, người lao động tại nhiều nơi trên cả nước giảm sút. Theo khảo sát cuối năm 2022 của viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho kết quả gần 59% công nhân không có khoản tích lũy và thu nhập giảm còn 5,9 triệu đồng do ảnh hưởng của cắt giảm việc làm.
Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu. Tuy nhiên, mức sống này được khảo sát vào thời điểm giá điện, xăng, nước chưa tăng. Việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động được cho là cần thiết và không thể trì hoãn thêm.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá, từ năm 2015 tới nay, Việt Nam luôn tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng (năm 2015) lên 168 USD/tháng hiện hành. Tính chung giai đoạn 2015-2022 lương tối thiểu tại Việt Nam tăng tổng 19,8%.
Với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng người lao động, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6%, áp dụng từ ngày 1-7-2024 để khuyến nghị Chính phủ.
Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1-7-2024, tức là cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước.
Với mức tăng 6%, lương tối thiểu tháng có thể được áp dụng từ ngày 1-7-2024 cụ thể như sau: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Tương tự, với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng cũng thống nhất phương án tăng thêm 6% từ ngày 1-7-2024. Theo đó, Vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23,8 nghìn đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20 nghìn đồng/giờ lên 21,2 nghìn đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17,5 nghìn đồng/giờ lên 18,6 nghìn đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15,6 nghìn đồng/giờ lên 16,6 nghìn đồng/giờ.
Đơn hàng giảm, công nhân phải “thắt lưng buộc bụng”
Những ngày qua, khu trọ của chị Nguyễn Thị Thủy (Đông Anh, Hà Nội) sôi nổi hơn khi biết được thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng để đề xuất Chính phủ điều chỉnh từ 1-7-2024. Lần gần nhất mà lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng là ngày 1-7-2022. Nếu đến ngày 1-7-2024 mới áp dụng mức tăng mới, thì đồng nghĩa với việc tiền lương tối thiểu phải qua 2 năm mới được điều chỉnh một lần. Trước đó, vào thời điểm đại dịch Covid-19, lương tối thiểu cũng đã qua 2,5 năm liên tục mới được điều chỉnh (từ đầu năm 2020 đến ngày 1-7-2022).
Một số ý kiến lo ngại rằng, thực tế có những doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng, phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc cắt giảm nhân sự, việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Thủy cho hay: “Doanh nghiệp khó khăn, nhưng người lao động còn khó khăn hơn. Tôi mong Chính phủ sớm thông qua chính sách này để người lao động có động lực làm việc. Lương tăng sẽ phần nào bù đắp được chi phí sinh hoạt, giúp những công nhân thuê trọ có thể bám trụ ở thành phố để mưu sinh”.
Là công nhân may tại khu vực Mê Linh, Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ, cuộc sống của chị và gia đình gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm mà chi phí sinh hoạt tăng cao. Chỉ với những phép tính đơn giản, chị Hà cho biết, giai đoạn trước đây với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng chị vẫn tiết kiệm được mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với thời điểm như hiện nay, thu nhập giảm, chi phí ăn uống và đi lại tăng cao, gia đình chị phải tìm mọi cách cắt giảm chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng” để ứng phó với khó khăn.
Trước những khó khăn của người lao động do đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị, các thiết chế lương tối thiểu phải tích cực bảo vệ người lao động không bị trả lương thấp quá và tránh cho họ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó bằng cách bảo đảm tiền lương của họ duy trì được sức mua, kể cả trong tình trạng lạm phát. Lương tối thiểu bảo đảm cho người lao động và gia đình của họ nhận được khoản bù đắp hợp lý để đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng tác động nặng nề đến những người lao động được trả lương thấp, mức lương tối thiểu phù hợp có thể bảo vệ và chống lại tác động chi phí sinh hoạt gia tăng.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Dưới góc độ pháp lý, lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Phản hồi về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, ông chưa thỏa mãn với mức tăng 6%, bởi vẫn giữ quan điểm là cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, Hội đồng đã thống nhất thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ tuân thủ và chấp hành nghiêm điều đã được thông qua. Đây cũng là sự cảm thông chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Doanh nghiệp cũng mong muốn người lao động chia sẻ trong vấn đề này. Đề xuất của đại diện người lao động cao hơn, cuối cùng đã đi đến thống nhất là 6% để trình lên cấp có thẩm quyền để thực hiện.
Về phía đại diện người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mức tăng 6% là phù hợp, trong bối cảnh người lao động rất chia sẻ với doanh nghiệp gặp khó khăn và tình hình của năm 2024 đang khó đoán định.
Bên cạnh việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên người lao động nâng cao năng suất cùng với doanh nghiệp vượt khó. Trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhất là vào dịp giáp Tết những mặt hàng thiết yếu tăng thì người lao động tiếp tục gặp những khó khăn. Với mức tăng thêm 6% nếu được Chính phủ thông qua sẽ cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.