Trong một báo cáo công bố vào cuối tuần vừa rồi, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - bình quân ở mức 81 USD/thùng trong năm 2024, so với mức 92 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước. Cũng theo nhà băng Phố Wall này, giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh của năm 2024 ở mức 85 USD/thùng vào tháng 6.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs nói rằng lý do chính dẫn tới việc điều chỉnh dự báo giá dầu này là “tốc độ khoan tìm dầu được đẩy nhanh và ngày càng có nhiều giếng dầu mới đi vào khai thác” ở Mỹ.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai với mức tăng gần 2%, đạt gần 78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng hơn 1,4%, chốt ở mức gần 72,5 USD/thùng.
Giá hai loại dầu đã giảm mạnh từ mức đỉnh của 13 tháng, tương ứng là 95 USD/thùng và 94 USD/thùng, thiết lập hồi tháng 9. Dầu trượt giá cho dù OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga, hồi cuối tháng 11 tuyên bố sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1 sang năm để hỗ trợ giá dầu.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.
Sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ là một nguyên nhân khiến giá dầu trượt dốc. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức bình quân cao kỷ lục 12,9 triệu thùng/ngày trong năm nay và tiếp tục lập kỷ lục mới 13,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Tháng 9 năm nay, sản lượng dầu của Mỹ đã lập kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp. Dữ liệu từ EIA cho thấy sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này trong tháng 9 tăng 224.000 thùng so với tháng 8, đạt 13,24 triệu thùng/ngày. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Mỹ đã tăng 750.000 thùng, tương đương tăng khoảng 7%.
Thị trường dầu cũng đang được đầu với áp lực mất giá từ nguy cơ nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm, nhất là ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới. Triển vọng kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều yếu, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn chưa có hồi kết.
Việc ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ đẩy mạnh khai thác là một nguyên nhân khiến lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng cao và gây áp lực giảm lên giá dầu kể từ đầu quý 4. “Nguồn cung dầu của Mỹ có lẽ là điều gây ngạc nhiên lớn nhất”, Chủ tịch Bob McNally của Công ty Rapidan Energy Group nhận định rằng đây là lý do chính khiến thị trường dầu lửa toàn cầu không rơi vào tình trạng thắt chặt như dự báo cách đây chưa lâu.
Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng việc OPEC+ hạn chế sản lượng khai thác dầu, khả năng kinh tế khởi sắc ở Trung Quốc, và nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ở mức thấp, cùng với những nhân tố khác có thể sẽ hạn chế mức độ giảm của giá dầu.
Trong một báo cáo ngày 18/12, nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định rằng tâm lý lạc quan của giới đầu tư về việc các ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị cắt giảm lãi suất “đã làm gia tăng khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế, và điều đó sẽ hỗ trợ giá dầu”.
“Hạ cánh mềm” là kết quả của một chiến dịch chống lạm phát thành công, khi một ngân hàng trung ương kéo được lạm phát về mức mục tiêu thông qua tăng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.