Nhà dành cho sinh viên nghèo ở không lấy tiền
Tìm đến đây vào một ngày nắng tháng 3, biết có người ngoài ngõ, đứng từ trên gác, Trần Minh Chiều (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) lễ phép cất giọng chào: "Ai đấy ạ?". Chàng trai này là một trong số các sinh viên đang sống cùng cụ bà Huỳnh Thị Diệp (91 tuổi) trong căn nhà nhỏ.
Nghe có tiếng người lạ, phía sau nhà, cụ Diệp tắt vội chiếc radio cũ, gượng mình ngồi dậy thỏ thẻ chào khách: "Bọn nhỏ đi học cả rồi, tôi không thấy đường nên ban ngày chỉ nằm nghe radio giải trí thế này thôi".
Cụ bà bộc bạch, năm 28 tuổi mắt trái của bà bỗng bị mù vĩnh viễn. Gia đình khó khăn nên bà chọn sống một mình để phụng dưỡng cha mẹ già, khi bố mẹ mất, bà sống thui thủi từ ngày đó.
Đến năm 1991 dù đời sống còn lắm cơ cực nhưng vì thương những sinh viên nghèo từ các tỉnh thành xa đến Huế học tập, cụ Diệp cho họ về ở mà không lấy tiền. Tiếng lành đồn xa, hết thế hệ này nối gót thế hệ khác, ngót nghét hơn 30 năm qua cụ bà đã làm mẹ của gần 130 sinh viên nghèo.
Ngồi trầm ngâm, cụ Diệp nhớ lại, có thời điểm vào mùa thi trong nhà hơn 20 thí sinh. Vì không đủ giường, bà phải trải chiếu cho các con nằm ra nền nhà.
"Tôi nghèo lắm, chả có gì ngoài cái nhà nhỏ cho chúng nó ở. Dù khó khăn nhưng vui vì đứa nào cũng ngoan, học giỏi. Bây giờ thằng Hùng hắn ra làm bác sĩ, Đỗ Mạnh làm luật sư, có đứa thì làm kỹ sư, tụi hắn ở xa nhưng khi mô tụi hắn cũng nhớ gọi về, rồi lâu lâu ra thăm", cụ Diệp nhớ như in từng người.
Đến nay, khi ở cái tuổi gần đất xa trời, mắt của bà cụ đã không còn nhìn thấy, đôi chân cũng yếu dần khiến việc sinh hoạt khó khăn. Nhưng bằng tấm lòng của người mẹ, cụ Diệp vẫn yêu thương, quan tâm các con mỗi ngày theo cách riêng có thể.
"Nhà chật nhưng tấm lòng luôn rộng mở"
Ngồi nâng niu, nhẹ nhàng xoa bóp đôi bàn tay nhăn nheo của bà cụ, cậu con trai Trần Minh Chiều nói: "Bây giờ bà yếu hơn rồi, phải nói lớn thì bà mới nghe, mắt cũng không thấy đường nên mấy đứa em cứ phải để ý nghe bà gọi. Đi thì thôi chứ ở nhà là bà hỏi han, quan tâm đủ thứ. Cuộc sống xa quê nên những tình cảm ấm áp này cũng khiến em vơi đi bớt phần nào nỗi nhớ nhà".
Nghe chàng trai này nói, cụ Diệp xúc động: "Tôi thân già côi cút, ngày ăn chưa hết nửa lon gạo nên cũng không cần tiền bạc chi nhiều, chỉ cần có tụi nó đây là vui. Ở trong nhà, mấy đứa hắn xem nhau như anh em ruột thịt, đùm bọc, giúp đỡ nhau, vậy là tốt rồi". Đến nay, nhà cụ Diệp không chỉ là nơi để bao cô cậu sinh viên an trú, vững vàng học tập, mà tình cảm đặc biệt từ ngôi nhà này còn là "bệ phóng", điểm tựa tinh thần để những người con đi xa tiến bước giữa đời.
Kể về khoảng thời gian sống cùng cụ Diệp, anh Trần Văn Hân (42 tuổi, hiện là giám đốc một trung tâm âm nhạc tại TP.HCM) không khỏi bồi hồi. Anh Hân nhớ nhất là khoảng thời gian sinh viên chật vật, nhờ có sự yêu thương giúp đỡ của cụ Diệp, anh đã vượt qua những lúc khó khăn nhất của cuộc đời. Tốt nghiệp đại học, anh chia tay mẹ Diệp vào TP.HCM lập nghiệp, đến nay người con này đã có sự nghiệp vững vàng.
"Cứ có chuyện gì cần tâm sự hay nhớ mẹ là tôi gọi về để hỏi han, kể lể. Có dịp công tác về Huế, nơi tôi muốn đến đầu tiên là nhà mẹ. Bởi nơi đó với tôi như ngôi nhà thứ hai và bà là người mẹ đã cưu mang, giúp đỡ tôi suốt khoảng thời gian sinh viên khó khăn", anh Hân nói.
Không chỉ với sinh viên, tình yêu bao la từ ngôi nhà cụ Diệp còn lan tỏa khắp cả xóm nhỏ. Kể về người mẹ đặc biệt này, nhiều người sống quanh đó vui tính ví bà như "bà tiên tóc bạc" giữa đời thường. Bởi cụ Diệp với nụ cười hiền từ, luôn tâm niệm: "Nhà bà chật nhưng tấm lòng luôn rộng mở! Lúc nào còn khỏe bà còn giúp sinh viên nghèo".