Đề xuất quy định này bởi Chính phủ cho rằng, cấm tuyệt đối nồng độ cồn không chỉ làm giảm tai nạn giao thông, mà còn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, bảo vệ thể lực, trí lực của người Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
Ám ảnh những vụ tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn
Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ chiều 12/11, khi vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra trên đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh làm 1 người chết, 2 người bị thương nặng. Bà Nguyễn Thị Hiền - người chứng kiến vụ tai nạn vẫn chưa hết ám ảnh - nhớ lại. “Khoảng hơn 4h chiều, tôi đang trên đường đón cháu thì nghe tiếng “rầm” mạnh. Mới tích tắc nhìn lại đã thấy một ô tô tông vào 2 ô tô khác rồi tông thẳng vào bức tường của nhà bán bún ven đường. Hôm đó, rất may quán nghỉ bán, nếu không hậu quả sẽ không biết thế nào nữa”.
Đối tượng gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên là Phạm Cao Trí (sinh năm 1984, trú ở quận 8, TP Hồ Chí Minh). Theo lời khai của Trí tại Cơ quan công an, anh ta ăn nhậu cùng nhóm bạn tại căn hộ ở chung cư thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, sau đó lái xe ra về. Khi chạy trên đường Nguyễn Văn Tăng, hướng đi ngã tư Thủ Đức thì tông vào 2 xe ô tô chạy theo chiều ngược lại và tiếp tục đâm vào 3 người đi xe máy, húc sập tường nhà bà Trần Thị Chín. hiện trường vụ tai nạn giao thông la liệt phương tiện hư hỏng, vỡ nát. 3 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Đến 19h cùng ngày, cô gái trẻ tên T.T.Y.N (18 tuổi) tử vong. Qua điều tra, công an xác định nồng độ cồn của tài xế gây tai nạn là 188,8 mg/100 ml máu, vượt mức kịch trần.
Trước đó, tại TP Phú Quốc, Kiên Giang cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết, 4 người bị thương khiến dư luận chấn động. Ô tô mang biển kiểm soát 68E-010.11 do tài xế Phạm Văn Nhân, (sinh năm 1971, trú tại xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang) điều khiển, lưu thông theo hướng phường Dương Đông về xã Cửa Cạn đã đi không đúng phần đường và đâm vào 3 xe máy. Hậu quả làm 2 người tử vong và 4 người bị thương. Qua kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Phạm Văn Nhân, người này vi phạm ở mức 0,516 mg/l khí thở. Đây là mức vi phạm nồng độ cồn rất cao, gấp 1,3 lần mức cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Cũng vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, tài xế Nguyễn Đức Thanh (sinh năm 1981, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã gây tai nạn làm 2 người thương vong. Thanh điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 99A-357.06 lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo (Đại Phúc, TP Bắc Ninh), do say rượu, buồn ngủ nên đã đâm vào xe máy do anh Hoàng Văn L (sinh năm 2000, trú tại Lào Cai) cầm lái, trên xe chở theo chị Mạc Thị H (sinh năm 1998, trú tại Bắc Kạn). Điều đáng tiếc là, anh L và chị H là đôi uyên ương đang chuẩn bị cưới. Thế nhưng, chỉ vì những chén rượu sau cuộc nhậu, Nguyễn Đức Thanh đã cướp mất tương lai của họ, khiến hai gia đình lâm vào cảnh tang thương.
Sau khi gây tai nạn, Thanh đã điều khiển ô tô rời khỏi hiện trường và về nhà tại Bắc Ninh. 7 tiếng sau, cơ quan chức năng mới làm rõ, bắt giữ được Thanh. Đến thời điểm này nhưng nồng độ cồn của Thanh vẫn ở mức 0,341 mg/l khí thở.
Lực lượng chức năng xử lý phương tiện vi phạm theo quy định.
Đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân
Ngày 5/12, tại hội nghị tiếp xúc của tri ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, có ý kiến cho rằng, cần quy định một mức nồng độ cồn nào đó đối với người điều khiển phương tiện giao thông, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã dẫn ra 4 quan điểm để khẳng định rằng, việc cấm tuyệt đối lái xe sử dụng rượu, bia là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với quốc tế và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6, Điều 5 quy định "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là hành vi bị cấm).
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, tình trạng tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng. Trong đó, qua đánh giá thông tin, Bộ Công an xác định tỷ lệ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia rất cao. Trung bình, mỗi ngày cả nước có hơn 30 người chết do tai nạn giao thông, số bị thương có thể gấp 5-7 lần.
“Đây là những con số rất khủng khiếp. Chúng ta đặt câu hỏi, nếu trong một gia đình, dòng họ, làng, bản có người bị tử vong do tai nạn giao thông thì có buồn không? Gia đình, dòng họ có người mang tật suốt đời do tai nạn giao thông có buồn không? Ở Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi uống rượu, bia trước, trong khi lái xe. Ở các nước khác cũng vậy, nếu lái xe uống rượu, bia là tịch thu bằng lái khiến không thể hành nghề, dẫn đến thất nghiệp. Nếu uống rượu, bia ở hàng quán thì nhà hàng phải có trách nhiệm đưa khách về. Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhiều nơi hạ tầng chưa đảm bảo; ngã ba, ngã tư nhiều, dễ xảy ra tai nạn giao thông; nhận thức Pháp Luật về ATGT của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông do ý thức chủ quan của lái xe. Chính vì vậy, chúng ta nên đồng tình với quy định cấm lái xe có nồng độ cồn nhằm đảm bảo ATGT, giảm tai nạn” - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.
Tại nghị trường Quốc hội, đa số các đại biểu đều ủng hộ quy định này bởi tai nạn giao thông gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội. Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết, tác hại của người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn có mức từ nghiêm trọng trở lên thì 50% do người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
“Quy định do Pháp Luật đặt ra. Theo tôi nên tường minh và giúp người dân dễ chấp hành, có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. Thế nên, giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu, phương án cấm sẽ tường minh và giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Đây cũng là yêu cầu khi xây dựng bất cứ quy định Pháp Luật nào” - đại biểu nhấn mạnh và cho biết, việc cho phép uống rượu dưới một ngưỡng ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm vì về tâm lý hoặc hành vi, nếu đã uống 1 chén rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn việc dứt khoát không uống rượu, bia ngay từ đầu và bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa, cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu bia vào cơ thể. Việc quy định có ngưỡng nồng độ cồn vô hình trung lại thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe. Trong khi đó, ý thức chấp hành Pháp Luật nói chung và Pháp Luật ATGT nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao. Việc quy định cấm là phù hợp hơn trong điều kiện ý thức xã hội như vậy.
Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) trăn trở khi đưa số liệu mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người và khoảng 30.000 người khác thương tật. Có nhiều trường hợp trở thành gánh nợ, gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội khi bị tàn tật suốt đời, mất khả năng lao động. Chưa bao giờ việc tham gia giao thông mà nỗi lo lắng lại nhiều như bây giờ. Chính vì vậy, đại biểu nhất trí hoàn toàn quan điểm cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn trong máu và khí thở.
Khởi tố đối tượng Trần Văn Năng, lái xe vi phạm nồng độ cồn, chống người thi hành công vụ tại tỉnh Hà Tĩnh.
Giảm bệnh tật, giảm chi phí xã hội
Lý giải về quy định “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn”, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội cho rằng, quy định cấm hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông. Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6, Điều 5 quy định "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là hành vi bị cấm).
Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã tạo được hiệu quả rõ rệt, dần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông. Điều này thể hiện rõ nhất tại các phòng cấp cứu ở các bệnh viện lớn, bệnh nhân do tai nạn giao thông giảm rõ rệt, số người chết, bị thương do đánh nhau, gây thương tích cũng giảm sâu.
Nói về điều này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tác động của việc đo nồng độ cồn rất rõ rệt, ngoài việc giảm tai nạn giao thông thì về lâu dài chắc chắn sẽ giảm một số bệnh liên quan đến rượu, bia như: Gan mãn tính, xơ gan, loạn thần do rượu và nhiều bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp. Chúng tôi hết sức hoan nghênh việc lực lượng CSGT thực hiện nghiêm Nghị định 100/CP, vì xử phạt nghiêm vi phạm về nồng độ cồn đã có tác động rất lớn đến sức khỏe người dân, làm giảm nhiều bệnh tật, giảm chi phí xã hội”.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật TTATGT đường bộ cho biết, nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn được quy định trong Luật TTATGT đường bộ phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
“Về nguyên tắc của Pháp Luật Việt Nam là thống nhất trong hệ thống Pháp Luật, luật ra sau phải trên cơ sở lấy nguồn của luật trước đó. Trên cơ sở của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề xuất quy định này. Quan điểm của cơ quan thẩm tra hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo là phải tuân thủ quy định của Pháp Luật. Hằng năm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra các báo cáo về ATGT, qua tổng kết các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, trung bình có 43% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do rượu, bia. Chính vì vậy, việc phòng, chống tác hại của rượu bia là mệnh lệnh cần thực hiện. Nội dung này cũng được nhiều người dân ủng hộ. Tôi tin rằng, Quốc hội sẽ cơ bản đồng ý nội dung này” - Trung tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định.