Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
* Trước đó, ngày 31/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cho biết.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó điểm đ quy định về trường hợp “Tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh” do đây là những giao dịch dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư.
Đồng thời chỉnh lý khoản 1 Điều 3 về khái niệm kinh doanh bất động sản, theo đó đối tượng của hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ bao gồm nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản và phải gắn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, bảo đảm không chồng chéo với Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai;
Chỉnh lý Điều 5 để làm rõ các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh; (iv) quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật, theo đó “Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Pháp Luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của Pháp Luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản”.
Về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định “Doanh nghiệp bất động sản phải công khai thông tin và chịu trách nhiệm về sự đầy đủ, trung thực và chuẩn xác của các thông tin phải công khai”.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nơi công khai thông tin về bất động sản. Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật để bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong việc phải công khai thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin về bất động sản, dự án bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh; việc công khai thông tin là một trong những điều kiện để kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, dự thảo Luật đã được bổ sung thêm khoản 6 Điều 6 giao Chính phủ quy định chi tiết để xác định cụ thể về thời điểm, trình tự, thủ tục thực hiện việc công khai thông tin.
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật quy định cá nhân khi kinh doanh bất động sản thì phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản; trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của Pháp Luật
Về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý quy định tại điểm e khoản 3 Điều 14, theo đó việc bán, cho thuê mua các phần diện tích sàn xây dựng chỉ áp dụng với công trình xây dựng trên đất được Nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, để bảo đảm đồng bộ các quy định về quyền của người sử dụng đất tương ứng với các hình thức sử dụng đất theo quy định của Pháp Luật về đất đai.
* Ngày 27/10, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 05 chương với 34 điều.
Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không hợp lý.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ ANTT đã được quy định trong Hiến pháp, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm Pháp Luật khác có liên quan.
Về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như Tờ trình dự án Luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm; đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay trong toàn quốc có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Thực hiện quy định hiện hành, các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).