Thống kê từ Báo cáo tài chính quý 3/2023 của các doanh nghiệp phi tài chính (trừ nhóm ngân hàng, chứng khoán) có 15 doanh nghiệp ghi nhận tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng tại ngày 30/9.
Dẫn đầu top doanh nghiệp có lượng tiền gửi ngân hàng là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, GAS) với gần 39.800 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 9/2023, chiếm đến 47% tổng tài sản.
Lãi tiền gửi mang về cho GAS là 1.570 tỷ đồng trong 9 tháng, gấp gần 1,8 lần so với cùng kỳ. Như vậy, tổng công ty có gần 6 tỷ đồng tiền lãi bình quân mỗi ngày.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng thuộc top doanh nghiệp để nhiều tiền vào ngân hàng. Theo đó trong 9 tháng đầu năm, số dư tiền gửi ngân hàng của BSR đã tăng hơn 11.400 tỷ đồng, đạt gần 36.500 tỷ đồng.
Các khoản tiền gửi của BSR bao gồm không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng. Quý 3/2023, BSR đã nâng lượng tiền nhàn rỗi thêm hơn 7.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng thay đổi "khẩu vị" sang chuộng gửi ngân hàng kỳ hạn dài hơn, thay vì tập trung gửi không quá 3 tháng như trước.
Tăng thêm tiền gửi, lũy kế 9 tháng, BSR có gần 1.176 tỷ đồng lãi tiền gửi, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày, doanh nghiệp nhận hơn 4 tỷ đồng từ lãi tiết kiệm.
Về số dư tiền gửi của BSR, cần lưu ý thêm tại thời điểm cuối tháng 9 này, các khoản tương đương tiền bao gồm tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại OceanBank với 2.734 tỷ đồng vẫn đang tạm dừng giao dịch.
Lãnh đạo BSR đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trong tương lai khi có những quy định cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài BSR, FPT và MWG cũng ghi nhận mức tăng tiền gửi trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong đó, Tập đoàn FPT (FPT) ghi nhận số dư tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối tháng 9 là 26.765 tỷ đồng, tăng 7.300 tỷ đồng so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, FPT nhận về 1.264 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng 21%.
Trong khi đó, thời điểm cuối tháng 9, Thế Giới Di Động (MWG) có hơn 22.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Số dư tăng mạnh với hơn 57% so với đầu năm. Nhờ vậy, "ông lớn" bán lẻ đã ghi nhận lãi tiền gửi 1.357 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ.
Đáng nói, khoản lãi tiền gửi phần nào đã kéo lại lợi nhuận cốt lõi tuột dốc của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ công nghệ này.
Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng luôn thuộc top doanh nghiệp gửi tiền ngân hàng khi các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 32.307 tỷ đồng tại cuối tháng 9. Dù giảm gần 700 tỷ đồng so thời điểm đầu năm, nhưng lãi tiền gửi ghi nhận từ đầu năm đến hết tháng 9 này đạt 1.261 tỷ đồng, vẫn tăng 6% so với cùng kỳ.
Còn tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ở mức 29.650 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, số dư tiền gửi đã giảm hơn 4.700 tỷ đồng.
Song sau 9 tháng, số lãi tiền gửi mà Hòa Phát nhận về vẫn cao với hơn 1.550 tỷ đồng. Trong đó, lãi tiền gửi trong riêng quý 3 này đạt 459 tỷ đồng.
Tại Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với tổng giá trị 25.588 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với đầu năm. Ba quý đầu năm, các khoản tiền gửi đem về cho Vinamilk 1.148 tỷ đồng tiền lãi, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, và đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận công ty.