Tết Ngô - Nghi lễ quan trọng của người Cống Lai Châu
Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, Tết Ngô của người Cống ở xã Nậm Khao (Mường Tè, Lai Châu) được tái hiện sinh động, hấp dẫn người xem.
Dân tộc Cống (hay còn gọi là Xá, Xá Cống), thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, là một trong những dân tộc có dân số ít nhất cả nước, đứng thứ 48 trên tổng số 54 dân tộc Việt Nam
Trên địa bàn Lai Châu có hơn 1.500 người Cống, sinh sống tập trung ở 6 bản thuộc hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn. Trong đó có 5 bản người Cống sinh sống, không xen lẫn cùng các dân tộc khác. Đây là điều kiện thuận lợi để người Cống bảo tổn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bản sắc văn hóa của người Cống Lai Châu được thể hiện đậm nét trong các di sản văn hóa như trang phục, kiến trúc nhà ở đến văn học, nghệ thuật dân gian… Bản sắc văn hóa đó vẫn được người Cống gìn giữ cho đến ngày nay.
Người Cống không có quá nhiều lễ hội trong năm, nhưng mỗi lễ hội đều có những điểm độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển tộc người Cống, cũng như đời sống tâm linh phong phú của họ. Tết Ngô là một trong số đó, hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cống Lai Châu.
Tết Ngô của người Cống được tổ chức vào ngày 6/1 (âm lịch) hàng năm. (Ảnh: Thanh Ngân)
Khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc người Cống ở xã Nậm Khao (Mường Tè, Lai Châu) háo hức chuẩn bị cho Tết Ngô. Không ai biết tết Ngô có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, dù giờ đây người Cống đã có thóc gạo để ăn, không còn phải ăn ngô nữa, song Tết Ngô vẫn là nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của họ.
Ông Chang Văn San, ở bản Xám Lắng (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè) phấn khởi cho biết: "Tết Ngô là dịp để người Cống trình báo với tổ tiên về những việc đã làm được trong năm. Cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà".
Tết Ngô của người Cống hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo và đặc sắc (Ảnh: Tuấn Hùng)
Trước ngày làm lễ, thầy cúng cùng những người đàn ông trong bản đan những chiếc phên mắt cáo, rồi cắm lên ruộng nương để thông báo cả bản nghỉ làm nương, chuẩn bị ăn Tết Ngô.
Ngày chính hội Tết Ngô của người Cống Nậm Khao, diễn ra vào ngày 6/1 (âm lịch). Ngay từ sáng sớm, mọi người diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất đến sân nhà văn hóa bản, để chuẩn nghi thức cúng Tết Ngô. Lễ vật cúng Tết ngô do dân bản cùng nhau đóng góp, gồm có: Thịt lợn (thủ, đuôi, gan và ruột non) thịt gà, cơm ngô, bánh ngô, nấm rừng, rau bí luộc và cua. Người Cống quan niệm, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng của nó đuổi chúng đi.
Một tục lệ không thể thiếu của người Cống trong ngày Tết Ngô đó là ra suối tắm và giặt giũ. (Ảnh: Tuấn Hùng)
Nghi lễ kết thúc, thầy cúng lấy một ít muối và thức ăn trong lá chuối để tổ tiên của bản mời bạn bè của họ là những linh hồn người Cống từ những bản khác đến.
Thực hiện xong nghi lễ, già trẻ, gái trai trong bản cùng nhau trình diễn điệu đuổi thú. Họ dang rộng hai tay, nhảy quanh sân hội, để đuổi chim chóc, thú rừng, ma quỷ ra khỏi bản làng, nương rẫy, làm tăng hiệu nghiệm của nghi lễ vừa thực hiện.
Tết Ngô là dịp để người Cống trình báo với tổ tiên về những việc đã làm được trong năm. (Ảnh: Tuấn Hùng)
"Một tục lệ không thể thiếu của người Cống trong ngày Tết Ngô đó là ra suối tắm và giặt giũ. Khi đi, ai cũng mang theo ít thuốc lào để cúng ma rừng. thuốc lào người Cống thơm ngon, ma rừng hút thuốc sẽ nhớ mặt người Cống. Người Cống lên rừng, không bắt người Cống đi" – ông Sang cho hay.
Sau đó, họ xuống suối tắm, để nước suối gột rửa hết bệnh tật xui xẻo ra khỏi người, trôi theo dòng suối. Tết Ngô đến sẽ mang theo sức khỏe, may mắn cho tất cả mọi người.
Tết Ngô của người Cống: Hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc
Sau khi tắm xong, bà con người Cống trở lại sân hội. Mọi người cùng trình diễn điệu múa Pê Lêm gian, tức múa giỏ. Pê lêm gian là điệu múa truyền thống được người Cống thường xuyên thể hiện trong các dịp vui của cộng đồng. Pê lêm là tên gọi của chiếc giỏ tre đen, thường được người phụ nữ dùng để đựng cơm trong những buổi đi nương xa nhà. Cùng với đó, cánh đàn ông trong bản cầm trong tay chiếc ống tre, vật dụng xưa kia thường dùng để đựng rượu. Họ bước những bước chắc nịch, thể hiện sự rắn rỏi, mạnh mẽ của người đàn ông sinh ra từ núi.
Điệu múa Pê Lêm gian của người Cống. (Ảnh: Tuấn Hùng)
Tiếp theo điệu múa Pê lêm gian, mọi người lại cùng nhau múa tăng bu tăng bẳng. Điệu múa này của người Cống mô phỏng hoạt động lấy nước sinh hoạt từ mó nước về nhà. Từ xa xưa, khi nguồn nước ăn còn hạn chế, bà con người Cống phải đi vào những khe suối xa, lấy nước bằng ống tre to để có nước sinh hoạt. Giờ đây, khi cuộc sống đã tiện nghi hơn, những ống nước bằng tre cũng trở thành một kỷ niệm đẹp được người Cống nhắc nhớ lại cho con cháu mình trong điệu múa tăng bu, tăng bẳng.
Tết Ngô của bản người Cống giờ đây đã có sự giao lưu, góp vui của bà con người Si La, người Mảng, người Lự ở các bản bên cạnh. Sân hội ngày một đông, bà con nhảy múa, hát hò và chơi các trò chơi dân gian, như: Kéo co, ném còn, đánh cầu lông gà.
Tết Ngô của người Cống kết thúc với màn múa xòe đoàn kết. (Ảnh; Thanh Ngân)
Ném còn và đánh cầu lông gà là hai trò chơi dân gian quen thuộc của người dân tộc Cống nói riêng và các dân tộc thiểu số Lai Châu nói chung. Các trò chơi này không chỉ thử thách sự khéo léo của đôi tay, sự tinh nhanh của đôi mắt, mà còn giúp mang lại tiếng cười, thắt chặt sự giao lưu, đoàn kết của dân bản và của người Cống với những dân tộc anh em cùng chung sống tại địa phương.
Khi buổi hội sắp đến hồi kết, chẳng ai bảo ai, mọi người cùng nối tay thành vòng xòe lớn. Trong tiếng trống chiêng rộn rã, già trẻ, gái trai cùng đều chân, bước từng bước nhịp nhàng. Ai cũng thấm mệt sau một ngày làm lễ nhưng trên khuôn mặt mỗi người hiện rõ niềm vui mừng, phấn khởi.
Không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc, Tết Ngô còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cống như trang phục truyền thống, ẩm thực, văn nghệ, các trò chơi dân gia. Chơi hội Tết Ngô là dịp để người Cống ôn lại lịch sử dân tộc, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu.