Âm thanh của tiếng trống và đặc biệt là chiếc chiêng tha – vật chủ độc nhất vô nhị của người Brâu, kết nối giữa thế giới của dân làng với các thần linh trên cao đã góp phần làm sôi động hơn không khí của Lai Châu những ngày này.
Màn trình diễn được nhóm đồng bào Brâu từ Kon Tum mang tới là một trích đoạn của Lễ hội "mở kho lúa" hay lễ hội hết lúa tổ chức vào vụ thu tháng 11 hằng năm.
A Duân – một thanh niên trong cộng đồng người Brâu chỉ có hơn 500 nhân khẩu chia sẻ: "Lễ hội hết lúa là mình ăn lúa mới khi lúa cũ đã hết. Tổ chức ở trên nhà rông, sau khi xong thì mọi người có thể ăn uống thoải mái, đàn ông đàn bà cùng nhảy múa, đánh một cái chiêng tha".
Lễ hội "Đón tiếng sấm đầu năm" của người Ơ Đu tỉnh Nghệ An
Cũng như lễ hội "mở kho lúa" của người Brâu, “Đón tiếng sấm đầu năm” là nghi thức cổ xưa nhất của đồng bào Ơ Đu, tỉnh Nghệ An. Đây là nghi lễ tín ngưỡng linh thiêng nhất của người Ơ Đu, nhằm cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt.
Ông Lò Văn Cường, dân tộc Ơ Đu, đến từ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: "Hồi xưa chưa có lịch, chưa có đài báo, chỉ có nghe tiếng sấm một năm mới thì anh em dân bản, họ hàng mọi người để tập trung để làm lễ hội. Mỗi người đóng góp một chút vật chất, nam nữ thanh niên, con cháu về tập trung, nao nức phấn khởi trong lễ hội".
Lễ hội "Đón tiếng sấm đầu năm" của người Ơ Đu tỉnh Nghệ An
Du khách thích thú trải nghiệm nghề dệt truyền thống của người Lự Lai Châu
Các lễ hội, nghi thức đã được các nghệ nhân, diễn viên thể hiện sống động, thu hút đông đảo du khách tới xem và khám phá.
Bà Johanne, du khách Canada chia sẻ: "Tôi là Johanne, đến từ Canada, chúng tôi đã bay mất 90 giờ để đến Việt Nam. Chúng tôi đã nhận được lịch đến tham dự lễ hội ở Lai Châu. Đến đây thấy lễ hội toàn miền Bắc rất đẹp, nhất là trang phục các dân tộc rất đặc biệt, không giống nơi nào. Chúng tôi rất vui khi được trải nghiệm, khám phá các phong tục tập quán của vùng Tây Bắc".
Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người và Tuần văn hóa – du lịch Lai Châu năm 2023 quy tụ hơn 10 gian hàng trưng bày các hiện vật của 14 dân tộc.
Người BRâu vui hội Mở kho thóc
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: "Có thể nói những nội dung tại ngày hội là những giá trị văn hoá đặc sắc nhất của 14 dân tộc, mong muốn là sẽ tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Và chính các nghệ nhân là những người nắm giữ sẽ trình diễn, biểu diễn và thể hiện trên sân khấu và các không gian ngày hội".
Sắc màu văn hóa các dân tộc rất ít người tại Ngày hội.